Tengger là sa mạc lớn thứ 4 của Trung Quốc với diện tích lên tới 42.700 km2. Ở sa mạc này, cồn cát, núi, hồ và bình nguyên phân bố đan xen lẫn nhau. (Ảnh: Baidu, Bijingdi)
Sa mạc Tengger từ lâu đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng bởi người ta tìm thấy ở đây có một " trái tim của Trái đất" - hồ nước đỏ Ô Lan (Wulan).
Trong tiếng Mông Cổ, "Wulan" có nghĩa là màu đỏ. Hồ Ô Lan toát lên vẻ quyến rũ khó cưỡng nhờ màu sắc đặc biệt của nước hồ.
Với màu nước đỏ tươi cùng với hình dáng tương tự như một quả tim, hồ Ô Lan được mệnh danh là "trái tim của Trái đất".
Nước hồ Ô Lan có màu đỏ tươi xen lẫn màu trắng. Sự điểm xuyết này vô tình lại khiến cho mặt hồ trông rất giống các mạch máu.
Theo các nhà khoa học, sở dĩ hồ nước "trái tim" này có màu đỏ đặc biệt như vậy là do nước hồ có chứa 3 loại vi sinh vật Artemia, Dunaliella salina và vi khuẩn halophilic.
Chính các hoạt chất như astaxanthin, carotenoid,…của các vi sinh vật đã khiến nước hồ "nhuốm" màu đỏ như vậy. Ngoài ra, hồ Ô Lan có nồng độ muối và kim loại cao. Muối đóng thành từng dải trắng dài chạy trên mặt hồ.
Màu của nước hồ Ô Lan thường thay đổi theo mùa. Vào mùa hè, khi lượng mưa trên sa mạc nhiều hơn, mực nước cao hơn nên nước hồ sẽ chuyển sang màu hồng.
Còn khi tới mùa thu, lượng mưa ít đi và mực nước trong hồ giảm xuống khiến cho nước hồ càng đỏ hơn.
Theo những người dân địa phương, hồ Ô Lan sâu hơn 2 mét. Thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm hồ là vào tháng 7 tới tháng 9. Lúc này, ánh nắng mặt trời sẽ khiến màu sắc nước hồ Ô Lan trở nên càng rực rỡ hơn.
Với vẻ đẹp kỳ lạ, hồ Ô Lan ngày nay trở thành một thắng cảnh thu hút nhiều du khách tới tham quan. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo du khách không nên tắm ở hồ Ô Lan do độ kiềm trong nước ở đây quá cao.
Mời độc giả xem thêm video: Kỳ lạ hồ nước ở Trung Quốc dù khô cạn nhưng chứa toàn đá quý
Thảo Nguyên (T.H)