Kinh ngạc những ca phẫu thuật sỏi khổng lồ, BS cảnh báo nguyên nhân sỏi tiết niệu
Viên sỏi khổng lồ to 12 cm nằm trong một túi thừa bên phải, cạnh bàng quang đè lên niệu quản vùng chậu phải gây ứ nước thận.
Bà Huỳnh Thị Lắm, 84 tuổi, ở Cà Mau mới đây nhập viện tại địa phương với chẩn đoán: Sỏi bàng quang/hẹp van động mạch chủ - hẹp van 2 lá nặng.
Ngoài ra, bệnh nhân có triệu chứng tiểu khó, tiểu gắt, đau vùng hạ vị, đau nhiều vùng hông lưng phải hơn 10 năm. Song, do bà có bệnh lý tim mạch nên không đồng ý phẩu thuật, xin được điều trị nội khoa.
Tuy nhiên, sau khi điều trị 1 tuần, triệu chứng không thuyên giảm nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tại đây, kết quả siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân có viên sỏi khổng lồ trong bàng quang, chụp X-Quang và CT Scan thấy thận (P) ứ nước độ I, niệu quản (P) dãn đến bàng quang, rất nhiều sỏi chiếm hết lòng bàng quang.
Bệnh nhân chỉ định phẫu thuật, nhưng do có bệnh lý tim mạch nặng, lớn tuổi, nguy cơ phẫu thuật rất cao nên bệnh viện tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa. Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân vào ngày 30/8. Ca phẫu thuật thành công sau trong 50 phút căng thẳng.
Trong lúc phẫu thuật các bác sĩ đã lấy ra rất nhiều sỏi từ 3 - 8cm (15 viên); một viên sỏi siêu khủng (12cm) nằm trong một túi thừa bên phải, cạnh bàng quang đè lên niệu quản vùng chậu phải, gây ứ nước thận, mô xung quanh túi thừa rất dính do viêm; bóc tách túi thừa lấy sỏi, bên trong có ít mủ và cặn trắng. Sau đó bệnh nhân được cắt túi thừa, khâu tạo hình lại bàng quang để tránh trường hợp tái phát sỏi.
Trước đó, có không ít trường hợp bác sĩ phẫu thuật lấy ra những viên sỏi thận khổng lồ trong người bệnh nhân.
Ngày 11/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước đã phẫu thuật cho một bệnh nhân bị sỏi thận bàng quang, lấy ra 7 viên sỏi thận lớn với tổng trọng lượng khoảng 0,5 kg. Bệnh nhân là ông Trần Văn Mai, 45 tuổi, ở thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Năm 2015, ông Zhang Guolun, 70 tuổi được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Nhân dân huyện La Điền ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong tình trạng khó tiểu và tràn dịch não. Tại đây, các bác sĩ vô cùng sửng sốt khi phát hiện một khối sỏi dài khoảng 14cm trong túi mật của ông. Ngay sau đó, ông Guolun được phẫu thuật để lấy viên sỏi khổng lồ ra khỏi cơ thể.
Nhân viên bệnh viện miêu tả, viên sỏi trông giống như viên đá ngọc bích và đá phong hóa hiếm thấy. Họ cũng ngạc nhiên khi ông Guolun để nó trong cơ thể lâu như vậy mà không phẫu thuật lấy ra sớm hơn.
Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu
Sỏi đường tiết niệu là một bệnh thường gặp ở người trưởng thành, nhưng với người cao tuổi, bệnh dễ dẫn đến nhiều biến chứng hơn, thậm chí biến chứng nguy hiểm, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.
Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, niệu quản, bàng quang, thậm chí có sỏi niệu đạo. Sỏi tiết niệu là do kết quả của sự kết tủa của một số chất chứa trong nước tiểu, kết hợp với sự lắng đọng, ứ nước tiểu, đặc biệt ở người cao tuổi khi chức năng của thận, bàng quang yếu đi hiện tượng này càng dễ xuất hiện.
Có nhiều yếu tố gây sỏi tiết niệu, trong đó phải kể đến việc dùng một số thuốc liều cao, dài ngày (do lạm dụng) như canxi trong điều trị và phòng loãng xương. Ở người cao tuổi, hấp thu canxi kém nhưng bài tiết canxi lại gia tăng nếu lạm dụng hoặc sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm cho lượng canxi dư thừa tăng lên và liên tục chúng được đào thải qua thận, gây lắng đọng và hình thành sỏi ở thận.
Một số người lạm dụng dùng quá nhiều và dài ngày vitamin C rất dễ dẫn đến sỏi tiết niệu. Bởi vì, sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là axít oxalic được đào thải qua thận, vì vậy, khi dùng liên tục và liều cao có thể gây nên sỏi oxalat canxi. Một số trường hợp bị sỏi tiết niệu vì lý do nào đó làm tăng hàm lượng axít uric trong nước tiểu chẳng hạn như bệnh gút dẫn đến sỏi tiết niệu. Lạm dụng thuốc chứa canxi, vitamin C, chế độ ăn nhiều thực phẩm có chứa canxi (tôm, cua, phủ tạng động vật…), trong khí đó uống ít nước, nhất là người cao tuổi càng dễ bị sỏi tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiểu là nguyên nhân đáng kể gây sỏi tiết niệu, nhất là nhiễm trùng mạn tính. Nhiễm trùng làm cho tổ chức thận bị tổn thương, niêm mạc bàng quang, niệu quản, niệu đạo bị viêm rất dễ gây lắng đọng canxi, oxalate tạo nên sỏi. Đây là vòng luẩn quẩn, nhiễm trùng đường tiểu gây sỏi tiết niệu, và sỏi tiết niệu rất dễ gây nhiễm trùng tiết niệu.
Sỏi tiết niệu còn liên quan đến một số bệnh khác như: tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến (nam giới), dị dạng đường tiểu, u đường tiết niệu, bệnh tiểu khung (phụ nữ) gây nên hiện tượng lắng đọng nước tiểu do chèn ép, từ đó dễ hình thành sỏi tiết niệu, nhất là các trường hợp sự lắng đọng nước tiểu gây nhiễm trùng tiết niệu.
Người cao tuổi thường ít uống nước, ngại vận động hoặc khó vận động cho nên việc tiểu tiện cũng gặp khó khăn gây ứ đọng nước tiểu ở bang quang cũng là nguyên nhân gây sỏi tiết niệu, nhất là sỏi bàng quang, từ đó viêm ngược dòng, gây sỏi thận.
Biến chứng của sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm có thể gây ra một số biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, nhất là người cao tuổi, sức yếu. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào số lượng, kích thước của sỏi và vị trí của sỏi.
Biến chứng của sỏi tiết niệu khá phức tạp, nếu nhẹ, gây đau thắt lưng, rối loạn tiểu tiện (đái rắt, són, buốt), nặng hơn, sỏi từ thận rơi xuống niệu quản xuất hiện cơn đau dữ dội, đột ngột, cấp tính gọi là cơn đau quặn thận, nhiều trường hợp phải cấp cứu.
Sỏi từ thận rơi xuống niệu quản sẽ làm tổn thương niệu quản gây chảy máu hoặc bị nhiễm trùng ngược dòng gây viêm thận ứ mủ. Tại niệu quản, sỏi có thể làm ứ đọng nước tiểu gây giãn niệu quản, dãn đài, bể thận, hậu quả là thận bị tổn thương, nặng hơn là suy thận. Suy thận, điều trị gặp không ít khó khăn và làm tăng huyết áp, tăng ure máu rất nguy hiểm, giai đoạn cuối của suy thận phải chạy thận nhân tạo, thậm chí ghép thận. Khi sỏi rơi xuống bàng quang gây nên sỏi bàng quang, sỏi ngày một lớn dần do lắng đọng các chất cặn, trong đó có canxi, oxalate gây viêm bàng quang và viêm ngược dòng lên thận.
Sỏi từ bàng quang đi ra ngoài qua niệu đạo, nếu sỏi có kích thước lớn, gồ ghề sẽ bị mắc kẹt ở niệu đạo phải cấp cứu, vì không thể đi tiểu được, đồng thời rất khó chịu, đau đớn.
Để không bị sỏi tiết niệu, chúng ta cần uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (từ 1,5 – 2,0 lít) bao gồm cả lượng nước có trong rau, trái cây, canh, uống sữa. Nên uống từ từ, không uống một lúc nhằm tăng lượng nước tiểu và pha loãng nước tiểu tránh hiện tượng cặn đọng lại ở thận, bàng quang. Cần hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật.
Đặc biệt, người cao tuổi nên vận động cơ thể đều đặn hàng ngày bằng các hình thức tập thể dục, đi bộ, bơi, chơi thể thao. Cần khám bệnh định kỳ để phát hiện những căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, trong đó có bệnh sỏi tiết niệu.