Kinh nghiệm cải thiện mức độ công khai ngân sách của các địa phương

Quyết tâm thực hiện và hành động thực tiễn giúp nhiều địa phương cải thiện đáng kể mức xếp hạng về Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (POBI).

Khánh Hòa là một tỉnh nằm ở ven biển miền Nam Trung bộ, với 9 đơn vị huyện, thị xã trực thuộc, bao gồm huyện đảo Trường Sa.

Sở hữu vị trí chiến lược nên thời gian qua, Khánh Hòa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía Trung ương. Đầu năm 2022, Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Bộ Chính trị ban hành, nêu rõ mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng của Khánh Hòa để phát triển bền vững, tương xứng với thế mạnh và vị trí chiến lược của địa phương này.

Tiếp theo đó, tháng 6/2022, Nghị quyết số 55/2022/QH15 được Quốc hội ban hành, với nội dung thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Nhận được sự quan tâm đặc biệt, lại có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược, theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS), Khánh Hòa sẽ trở thành một trong 3 cực tăng trưởng của Việt Nam về dài hạn.

Đứng trước những tiềm năng to lớn, theo ông Vĩnh Thông, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin về ngân sách càng cần phải được nâng cao để tạo ra sự tin tưởng của người dân cũng như của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điểm đáng lưu ý trong chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2020

Để nâng cao tính công khai, minh bạch của ngân sách địa phương, ông Thông cho biết, Sở Tài chính Khánh Hòa đã quán triệt tinh thần khi thực hiện công khai ngân sách phải đảm bảo tính chính xác và liên tục. Sở đã tổ chức họp giao ban hàng tuần, hàng tháng, sử dụng phần mềm để kiểm soát mức độ công khai trong hoạt động của các phòng, từ đó kịp thời nhắc nhở, chỉ đạo.

Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm đó, trong báo cáo POBI 2021 mới được VESS công bố, Khánh Hòa là một trong 3 tỉnh có mức cải thiện xếp hạng mạnh nhất, tăng đến 42 bậc so với năm 2020, xếp thứ 2 toàn quốc và dẫn đầu miền Trung về công khai ngân sách. Trong cả 6/6 tiêu chí được nhóm nghiên cứu đưa ra, Khánh Hòa đều có sự cải thiện tích cực.

Đạt được thành tích tốt về công khai ngân sách nhưng theo ông Thông, Khánh Hòa có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa, thông qua nâng cao tính giám sát của người dân và nâng cao vai trò giải trình của hội đồng nhân dân.

Năng suất lao động phản ánh thất bại trong chính sách thu hút FDI

Một tỉnh miền Trung khác cũng ghi nhận mức tăng vượt bậc về xếp hạng POBI năm 2021 là Quảng Bình. Cụ thể, nếu như trong báo cáo POBI 2020, Quảng Bình xếp gần chót với vị trí thứ 60 thì đến năm 2021 đã tăng đến 45 bậc, xếp ở vị trí thứ 15.

Nói về sự cải thiện tích cực này, đại diện Sở Tài chính Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình cũng rất có quyết tâm nâng cao mức công khai ngân sách địa phương, phần vì “tự ái” khi bị đánh giá thấp vào năm 2020, phần vì đây là nhiệm vụ phải được làm tốt trong quá trình phát triển.

Hiện thực hóa nỗ lực đó, Sở Tài chính Quảng Bình đã giao cho các cán bộ, chuyên viên “soi” những địa phương được xếp thứ hạng cao, xem những địa phương đó công khai những chỉ tiêu gì để học theo.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Bình cũng chủ trương xây dựng phần mềm kiểm soát công khai ngân sách của tỉnh. Ứng dụng công nghệ số là một trong những yếu tố quan trọng giúp Quảng Bình đạt được mức cải thiện cao.

Không có mức tăng “khủng” như Quảng Bình hay Khánh Hòa, tuy nhiên tỉnh Bạc Liêu cũng là một điển hình tiêu biểu về nỗ lực công khai ngân sách tỉnh khi nhìn vào mức cải thiện đều qua các năm. Trong POBI 2021, Bạc Liêu tăng 15 bậc, xếp ở vị trí thứ 25.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo công bố chỉ số POBI 2021, đại diện Bạc Liêu cho biết, cũng giống như Quảng Bình, mức xếp hạng rất thấp từ những năm trước khiến tỉnh này “tự ái” và đặt ra câu hỏi “tại sao người ta làm được mà mình không làm được”?

Từ chính nỗi trăn trở đó, Phòng Ngân sách trực thuộc Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình dù chỉ có 5 nhân sự nhưng đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu Thông tư số 343/2015/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước với các cấp ngân sách, cũng như công bố thông tin trên nền tảng số một cách chính xác và kịp thời.

Nói về nỗ lực của các địa phương, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Thành cho biết, để cải thiện mức độ công khai ngân sách, điều quan trọng nhất là quyết tâm thay đổi, quyết tâm làm tốt hơn nữa. Từ sự quyết tâm đó, cán bộ địa phương sẽ tự nhìn ra những phương pháp để cải thiện như học hỏi kinh nghiệm của các địa phương làm tốt, rà soát lại thông tư hướng dẫn, phối hợp công việc giữa các phòng, ban trong Sở Tài chính…

Giám đốc VESS cho biết thêm, báo cáo POBI được xây dựng dựa trên quy trình chặt chẽ và công tâm, do đó mức cải thiện trong báo cáo đã thể hiện đúng nỗ lực của các địa phương trong việc công khai ngân sách.

Ông Thành kỳ vọng, thông qua báo cáo POBI, các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện công khai ngân sách tích cực hơn nữa, làm sao để tỉnh, thành phố nào cũng được xếp loại tốt.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao Oxfam tại Việt Nam, cho biết, công khai minh bạch ngân sách là yếu tố đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Cụ thể, thông qua công khai minh bạch ngân sách, các tổ chức, chuyên gia và người dân mới có thông tin để từ đó đóng góp ý kiến, đề xuất phương án sử dụng ngân sách sát với yêu cầu thực tiễn.

Công khai minh bạch ngân sách cũng là bước đệm cần thiết để các địa phương tham gia vào thị trường tài chính quốc tế và thu hút vốn đầu tư phát triển.

Như vậy, công khai minh bạch ngân sách góp phần trực tiếp thực hiện mục tiêu số 16 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (17 SDGs) của Liên hợp quốc về thể chế vững mạnh, đồng thời góp phần gián tiếp thực hiện nhiều SDGs khác.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/kinh-nghiem-cai-thien-muc-do-cong-khai-ngan-sach-cua-cac-dia-phuong-1664448408896.htm