Kinh nghiệm hay từ khuyến công Hà Nội

Từ thực tiễn hơn 10 năm triển khai Nghị định số 45 về khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội đã rút ra nhiều kinh nghiệm hay giúp triển khai hiệu quả các đề án.

Công tác khuyến công triển khai ngày càng hiệu quả

Ông Nguyễn Đình Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, trong hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện công tác khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, Sở Công Thương thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật, như: Tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn, 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Xây dựng mô hình trình diễn, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho 120 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 260 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp; tổ chức 157 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính... cho trên 17.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở.

Khuyến công thành phố cũng hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thông qua việc tổ chức 21 hội chợ, 5 triển lãm ngành hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp nông thôn với trên 7.300 gian hàng của hơn 3.000 lượt cơ sở, doanh nghiệp; hỗ trợ hơn 300 lượt cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với trên 600 gian hàng.

Kinh nghiệm hay từ khuyến công Hà Nội. Ảnh: Linh Chi

Kinh nghiệm hay từ khuyến công Hà Nội. Ảnh: Linh Chi

Hoạt động khuyến công với một phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư kinh phí để thực hiện các nội dung nhằm đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Thắng nhận định.

Linh hoạt vượt qua thách thức mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Công Thương thành phố cũng cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện công tác khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội cũng gặp một số khó khăn cần tháo gỡ.

Trong đó, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ban hành đã lâu nên một số quy định đã bất cập so với thực tiễn triển khai. Việc triển khai công tác khuyến công xuống các địa bàn cấp xã, cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn về địa lý, phương tiện đi lại và nguồn nhân lực. Cơ chế chính sách chế độ cho chương trình còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Cùng đó, một số cơ sở sản xuất năng lực còn hạn chế, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, năng suất chất lượng, chuyển đổi số, kết nối giao thương, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm của các cơ sở chưa cao, vòng đời sản phẩm chậm thay đổi, thông tin về nhu cầu thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế nên việc hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ chưa cao, nhiều cơ sở chưa mạnh dạn tham gia các nội dung hoạt động khuyến công.

Với kinh nghiệm 10 năm triển khai và triển khai tốt công tác khuyến công, ông Thắng cho biết, thành phố đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cũng là những giải pháp giúp hiệu quả triển khai các đề án ngày một cao.

Cụ thể, việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ khuyến công phải được phân công, phân cấp cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc thực hiện hoạt động khuyến công. Sở Công Thương là cơ quan giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến công; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công.

Thực hiện lồng ghép nội dung của các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, Chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong chỉ đạo, điều hành phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai hoạt động khuyến công; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình đảm đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật và thành phố.

Hàng năm, ban hành kế hoạch thực hiện chương trình khuyến công bám sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn và khả năng cân đối ngân sách. Chủ động đề xuất, tham mưu điều chỉnh kế hoạch khuyến công giai đoạn, hàng năm phù hợp với chính sách liên quan và tình hình thực tế theo đúng quy định, nâng cao hiệu quả chương trình; tập trung ưu tiên các nội dung mới có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển công nghiệp nông thôn.

Thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế, chính sách của thành phố trong lĩnh vực khuyến công; việc lựa chọn doanh nghiệp, cơ sở thụ hưởng đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông để các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình. Tăng cường ứng dụng dựa trên các nền di động, công nghệ thông tin thông minh, thương mại điện tử trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-nghiem-hay-tu-khuyen-cong-ha-noi-327733.html