Kinh nghiệm lái xe qua đoạn đường ngập nước không thể bỏ qua

Mưa lớn gây ngập úng ở nhiều đô thị như Tp, Hồ Chí Minh và Hà Nội những ngày qua làm nhiều xe ô tô bị chết máy, phải gọi xe cứu hộ; nếu cố nổ máy có thể gây thủy kích và chi phí sửa chữa là không nhỏ.

Mưa lớn chiều 17/8 gây ngập cục bộ nút giao thông Ngã tư Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu (Hà Nội) khiến các phương tiện lưu thông qua đoạn đường này gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Mưa lớn chiều 17/8 gây ngập cục bộ nút giao thông Ngã tư Lý Thường Kiệt-Phan Bội Châu (Hà Nội) khiến các phương tiện lưu thông qua đoạn đường này gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Dưới đây là 10 lời khuyên của các hãng sản xuất xe giúp tài xế có thể cân nhắc về quyết định đi qua khu vực ngập nước:

1. Tránh lái xe vào vùng nước ngập đến quá nửa bánh xe hoặc ngập cao hơn lề đường. Những chiếc SUV và bán tải có thể vận hành ở mực nước sâu hơn xe du lịch, nhưng hãy tìm hiểu xem độ sâu của nước mà xe của bạn có thể lội qua được là bao nhiêu trước khi quyết định lái xe qua.
2. Cẩn trọng khi di chuyển trong dòng nước chảy. Dòng nước lớn chảy siết như lũ quét hoặc suối tiềm ẩn rủi ro cho tất cả các loại phương tiện kể cả SUV và bán tải.

Mưa lớn ngày 17/8/2020 gây ngập úng trên phố Điện Biên Phủ, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Mưa lớn ngày 17/8/2020 gây ngập úng trên phố Điện Biên Phủ, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

3. Dừng lại quan sát xem những người khác có lái xe qua chỗ ngập một cách an toàn hay không.
4. Trước khi đi vào đoạn đường ngập, hãy tắt điều hòa và hạ cửa kính ô tô xuống. Bật điều hòa khi lái xe qua vùng nước ngập có thể làm chết động cơ bởi khi quạt quay, sẽ có thể hút nước vào trong động cơ.
Nếu động cơ không bị chết, quạt điện tử có thể cuốn rác đang trôi trong nước làm gãy cánh quạt khiến động cơ bị tăng nhiệt.
5. Đảm bảo rằng ở đoạn đường ngập, mặt đường vẫn còn nguyên vẹn và không bị nước cuốn trôi đi mất. Bạn cũng nên cảnh giác với những con đường không quen thuộc vì chúng có thể có những chỗ trũng ngập nước quá sâu không thể lội qua. Hướng xe đi vào giữa đường hoặc gần đó bởi vì nước sẽ nông nhất ở vị trí này.

6. Chầm chậm đi vào dòng nước với tốc độ tối đa 3km/giờ sau đó tăng dần đến 6km/giờ khi đã ở trong nước.

Điều này sẽ tạo một cơn sóng vòng cung trước xe và mực nước xung quanh khoang động cơ sẽ thấp xuống, giảm nguy cơ nước xâm nhập qua bộ lọc không khí và hư hại đến các linh kiện điện và điện tử. Tốc độ cao hơn mức này sẽ khiến nước bị đẩy vào khoang động cơ thông qua lưới tản nhiệt trước.

Một chiếc ô tô SUV bị chết máy tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt sau cơn mưa lớn ngày 17/8/2020 phải nhờ đến xe cứu hộ. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Một chiếc ô tô SUV bị chết máy tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt sau cơn mưa lớn ngày 17/8/2020 phải nhờ đến xe cứu hộ. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

7. Lái xe ở vòng tua máy cao và số thấp - tùy thuộc vào loại hộp số. Giữ tốc độ ổn định. Chân không được rời chân ga. Động cơ đang giảm tốc có thể hút nước vào trong thông qua ống xả và làm hư hại bộ chuyển đổi xúc tác khí thải. Chắc hẳn bạn cũng không muốn bộ lọc không khí phía trước hút nước vào động cơ, vì vậy hãy lái thật chậm. Trong cả hai trường hợp, hư hại sẽ rất nghiêm trọng và chi phí sửa chữa sẽ cao.

8. Nên để từng xe đi qua chỗ ngập một lúc, như vậy bạn sẽ không buộc phải dừng lại giữa chừng nếu xe phía trước dừng. Đảm bảo rằng không có xe nào đang tiến đến ở chiều ngược lại nếu không sóng nước mà xe đó tạo ra có thể làm ngập xe bạn, đặc biệt nếu xe đó đang đi với tốc độ cao.
9. Khi ra khỏi dòng nước, nhấn phanh nhẹ nhàng để làm khô phanh. Bạn có thể tiếp tục giữ phanh bằng chân trái một lúc nếu thành thạo với kỹ năng này. Nhả phanh ra khi nào bạn cảm thấy phanh bắt đầu “ăn”. Thêm nữa, hãy dừng lại kiểm tra một chút để đảm bảo không có túi nilon hay rưởi mắc vào lưới tản nhiệt hoặc các lá tản nhiệt bên trong.
10. Sau khi vượt qua đoạn đường ngập, lau xe sạch sẽ, loại bỏ cỏ rác, lá cây, vết bẩn bởi chúng có thể gây ra cháy. Thay dầu động cơ bởi nước có thể đã xâm nhập vào hệ thống. Làm sạch thảm xe để ngăn nấm mốc. Kiểm tra vòng bi bánh xe và toàn bộ hệ thống hoặc mang xe đến trung tâm dịch vụ để được kiểm tra bởi kỹ thuật viên có chuyên môn./.

Phú Vinh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-nghiem-lai-xe-qua-doan-duong-ngap-nuoc-khong-the-bo-qua/166605.html