Kinh nghiệm nuôi tằm của một nông dân Trấn Yên
Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.
Gia đình ông Xuân đã trồng dâu nuôi tằm từ cách đây gần chục năm. Diện tích trồng dâu được ông thực hiện chuyển đổi trên diện tích ruộng trồng lúa. Quá trình chuyển đổi này do ông nhận thấy các hộ trong thôn trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Đến nay, nhà ông đã có gần 2 mẫu đất trồng giống dâu Sa Nhị Luân trên đất trồng lúa, trồng màu; trong đó, có 1,5 mẫu đang cho thu lá. Để cây dâu phát triển tốt, người trồng cần chăm sóc đúng kỹ thuật theo kiến thức đã được tập huấn, nếu cây dâu có sâu bệnh thì cần phải dùng đúng thuốc. Như giống dâu nhà ông trồng là hay bị sâu cuốn lá, ông thực hiện phun thuốc Dylan.
"Cứ hết vụ là phải tiến hành đốn gốc dâu, việc chăm sóc tốt sẽ góp phần giữ tuổi thọ của cây dâu lâu bền. Trông ở quanh thôn tôi đây, nhiều gia đình có diện tích dâu trồng đã hơn chục năm vẫn cho hiệu quả tốt” - ông Xuân cho biết.
Trời chiều hanh hảnh nắng, chuẩn bị ra ruộng dâu hái lá, vợ con ông Xuân nói rằng, quan trọng nhất là lá dâu phải khô, thật khô vì lá dâu ướt thì không tốt cho tằm. Vậy nên, khi hái dâu là sợ mưa nhất. Bất đắc dĩ không tránh nổi mưa, hái lá dâu về sẽ phải hong ráo nước. Gần đây, thời tiết thường nồm ẩm, ông Xuân rất chú trọng khâu xử lý nhà tằm rộng 150 m2 để bảo đảm nền nhà vừa khô ráo vừa thoáng đãng.
Việc vệ sinh khử khuẩn nhà tằm cũng phải được chú trọng thực hiện kỹ lưỡng, đúng quy trình do con tằm cực kỳ mẫn cảm, phải đảm bảo sạch sẽ, tránh tối đa mọi yếu tố rủi ro. Nhận thức, quan điểm và hành động của ông Xuân đảm bảo theo đúng tinh thần: "Không thể chủ quan một chút nào khi nuôi tằm, nhất là phải luôn tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, có như thế mới mong đạt kết quả tốt”.
Có một sự thay đổi không thể không nói đến đã giúp quá trình nuôi tằm của các hộ, trong đó có gia đình ông Xuân trở nên thuận tiện hơn, mang lại hiệu quả rõ rệt, chính là đưa tằm lên né gỗ ô vuông để làm kén. Hiện, nhà ông Xuân có 100 né gỗ ô vuông. Thực hiện thí điểm từ vụ hè thu năm 2018 trên địa bàn xã Báo Đáp, đến nay, tất cả các hộ nuôi tằm đều áp dụng kỹ thuật này và đã bỏ hết né tre. Những điều mang đến sự thuận tiện, hiệu quả, giá trị kinh tế cao sẽ nhanh chóng được áp dụng một cách phổ biến. Kỹ thuật ươm kén này sẽ giúp mỗi con tằm chỉ nằm trong một kén, kén đều hơn, kén đẹp hơn, màu đẹp hơn.
Sang lứa tằm thứ ba này, ông Xuân lấy tằm giống của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái vì muốn có những thử nghiệm mới. So về mức giá thu mua, Công ty đang thu mua với mức giá cao hơn tư thương khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg kén ở thời điểm hiện tại. Khi có cơ hội và có nhiều lựa chọn, người trồng dâu nuôi tằm muốn tìm đến sự phù hợp nhất, hiệu quả nhất, mang lại giá trị kinh tế cao nhất với công sức bỏ ra.
Hiệu quả kinh tế của trồng dâu nuôi tằm cao hơn nhiều so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Nhà ông Xuân năm 2023 nuôi 12 lứa tằm trong 2 vụ với thời gian 6 tháng, thu 5 tạ kén, bán giá 170.000 đồng/kg kén. Lợi nhuận đem lại không nhỏ bởi chi phí đầu vào cho cây dâu, con tằm là không đáng kể và với người nông dân thì luôn lấy công làm lãi.
Trồng dâu nuôi tằm đang là trọng điểm ở giai đoạn hiện nay trong phát triển kinh tế của xã Báo Đáp nói riêng, huyện Trấn Yên nói chung. Bản thân ông Xuân nhận thức rõ ràng về vấn đề này như chia sẻ: "Thật sự là chưa có nghề nào như trồng dâu nuôi tằm trên đồng đất Báo Đáp lúc này, mà chỉ cần người dân thực hiện đúng, tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật đã được tập huấn và hướng dẫn, còn lại các yếu tố khác về cung ứng giống, vật tư, thị trường đầu ra đều đã có người lo. Như thế thì quả thật là quá thuận lợi và may mắn, người sản xuất như chúng tôi cũng rất yên tâm. Nếu nói mong muốn thì là mong làm sao cho giá thu mua sản phẩm kén tằm luôn ổn định và cao hơn nữa”.