Kinh nghiệm phân loại rác tại nguồn ở 'lá cờ đầu' Nam Sách

Là huyện được ví như 'lá cờ đầu' trong tỉnh Hải Dương về thực hiện phân loại rác tại nguồn, việc xử lý rác hữu cơ ở Nam Sách đã dần đi vào nền nếp, hiệu quả.

Huyện Nam Sách là địa phương đầu tiên trong tỉnh Hải Dương có 100% số hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trong ảnh: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thăng (thứ tư từ trái sang) khảo sát mô hình xử lý rác hữu cơ tại một gia đình ở xã Trần Phú, huyện Nam Sách. Ảnh: NHƯ HUẾ

Huyện Nam Sách là địa phương đầu tiên trong tỉnh Hải Dương có 100% số hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trong ảnh: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thăng (thứ tư từ trái sang) khảo sát mô hình xử lý rác hữu cơ tại một gia đình ở xã Trần Phú, huyện Nam Sách. Ảnh: NHƯ HUẾ

Phân loại, ủ ngay tại gia đình

Theo Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, 100% số gia đình trong cả nước sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Trong khi nhiều địa phương trong tỉnh mới bắt tay vào làm và gặp khó thì việc phân loại, xử lý rác hữu cơ ở huyện Nam Sách đã dần đi vào nền nếp sau 3 năm quyết liệt triển khai.

Ở các xã trong huyện Nam Sách, rác hữu cơ được phân loại, xử lý nhiều tại gia đình. Lượng rác hữu cơ phải thu gom, ủ tập trung khá ít.

Tại xã Hợp Tiến, rác vô cơ được thu gom 2 lần 1 tuần vào thứ 2 và thứ 6. Lượng rác hữu cơ thu gom chỉ khoảng 1 - 2 tấn, do người dân chủ yếu xử lý ngay tại nhà.

Ở xã Hợp Tiến, lượng rác hữu cơ phải thu gom, xử lý tập trung không nhiều. Mỗi tuần chỉ thu gom rác hữu cơ 2 lần. Ảnh: THÀNH CHUNG

Ở xã Hợp Tiến, lượng rác hữu cơ phải thu gom, xử lý tập trung không nhiều. Mỗi tuần chỉ thu gom rác hữu cơ 2 lần. Ảnh: THÀNH CHUNG

Các hộ có ao, chăn nuôi gia súc, gia cầm thường tận dụng thực phẩm, nông sản dư thừa làm thức ăn chăn nuôi. Các hộ có vườn, ruộng trồng cây cảnh, cây rau màu thì ủ rác lấy nước tưới, mùn làm phân. Có hộ ủ trong thùng, có hộ ủ ngay tại hố trong vườn nhà.

Cũng như nhiều xã khác trong huyện, Hội Phụ nữ xã Hợp Tiến có chi hội tự làm được men vi sinh IMO cung cấp cho phụ nữ về ủ tại gia đình và còn bán gây quỹ từ thiện.

Một mẻ men được ủ từ sữa chua, chuối, đường, men rượu, men vi sinh. Hội viên phụ nữ dùng men này để ủ rác hữu cơ tại nhà. Nhờ vậy, lượng rác hữu cơ phát sinh phải vận chuyển đi xử lý tập trung ở bể ủ không có nhiều.

Hội viên phụ nữ xã Hợp Tiến ủ men vi sinh xử lý rác hữu cơ từ sữa chua, chuối, đường, men rượu

Hội viên phụ nữ xã Hợp Tiến ủ men vi sinh xử lý rác hữu cơ từ sữa chua, chuối, đường, men rượu

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hợp Tiến Đồng Thị Xuân, việc ủ men vi sinh tại nhà cho hiệu quả rõ trong xử lý rác hữu cơ ngay tại gia đình, nhất là với các hộ có nhu cầu chăm bón cây cảnh, rau màu. "Tới đây, Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để đẩy mạnh xử lý rác hữu cơ tại nguồn", bà Xuân cho biết.

Đây cũng là cách làm của nhiều xã trong huyện Nam Sách khi thực hiện phân loại rác tại nguồn và giải bài toán khó trong xử lý rác hữu cơ.

Nhiều hộ nông thôn ở Nam Sách làm hố ủ rác hữu cơ ngay tại vườn để làm phân bón. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Vinh ở xã Trần Phú ủ rác hữu cơ tại nhà

Nhiều hộ nông thôn ở Nam Sách làm hố ủ rác hữu cơ ngay tại vườn để làm phân bón. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Vinh ở xã Trần Phú ủ rác hữu cơ tại nhà

Sau một thời gian thực hiện, rác hữu cơ ủ xong thành mùn rất khô, tơi xốp, không có mùi khó chịu. Toàn huyện hiện có 44 vị trí với 120 ngăn ủ rác hữu cơ. Tại nhiều xã, người dân lấy về bón cho những cánh đồng trồng chuối, bưởi, hoa mẫu đơn, cây bóng mát, cho hiệu quả cao.

Gỡ khó cho khu vực đô thị

Rác hữu cơ ở thị trấn Nam Sách sau khi thu gom sẽ được chuyển về ô ủ tập trung, ủ với men vi sinh

Rác hữu cơ ở thị trấn Nam Sách sau khi thu gom sẽ được chuyển về ô ủ tập trung, ủ với men vi sinh

Nếu như rác hữu cơ ở các xã không nhiều thì ở thị trấn Nam Sách, việc xử lý rác hữu cơ là bài toán khó giải vì ở đây mật độ dân số đông lại có nhiều chợ, trường học, hàng quán...

Lúc mới triển khai, người dân phản ánh rất nhiều khó khăn từ khâu phân loại do diện tích nhỏ, không có không gian rộng thoáng, dễ phát sinh mùi. Một số người dân không có diện tích trồng cây nên không có nhu cầu ủ rác lấy phân bón.

Việc phân loại rác hữu cơ ở các khu chợ cũng gặp khó do các tiểu thương chủ yếu đựng trong túi ni lông, phân loại không triệt để.

Giải quyết khó khăn này, hiện nay rác hữu cơ ở thị trấn Nam Sách được hợp tác xã vệ sinh môi trường thu gom hằng ngày. Sau khi được thu gom sẽ chuyển rác hữu cơ đến một ô ủ ở khu vực xa dân cư, ủ với men vi sinh đến khi thành mùn sẽ được chuyển tới vị trí khác. Người dân có nhu cầu sẽ đến lấy mùn này về bón cho cây trồng. Cách làm này rất hiệu quả.

Rác mới thu gom và rác đã phân hủy một thời gian phải để riêng biệt ở các ngăn ủ khác nhau

Rác mới thu gom và rác đã phân hủy một thời gian phải để riêng biệt ở các ngăn ủ khác nhau

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách cho biết: "Ở thị trấn Nam Sách, hiện thu gom rác hằng ngày nên lượng rác lớn mà người dân không có nơi chứa, ủ rác hữu cơ. Việc xử lý rác hữu cơ sau một thời gian thực hiện đã thành thạo, hiệu quả và không phát sinh mùi nặng".

Đúng như bà Huệ nói, trực tiếp đến bể ủ rác hữu cơ của thị trấn Nam Sách cho thấy một khu vực rộng được quy hoạch riêng biệt, đổ bê tông rộng hàng trăm mét vuông, có nhiều ngăn ủ rác hữu cơ song không có mùi nặng, không phát sinh giòi bọ.

Hồi mới thực hiện quy trình ủ rác hữu cơ, giòi bọ bò ra tận đường bê tông, rác bốc mùi khó chịu khiến người dân phản ánh, bức xúc.

Từ kinh nghiệm xử lý rác hữu cơ ở huyện Nam Sách cho thấy, các ô ủ phải có nhiều ngăn, không được để cũ mới lẫn lộn. Rác đã phân hủy phải để riêng, không để thêm rác mới vận chuyển vào.

Đồng thời, phải che đậy bằng bạt, đảo xới liên tục và thường xuyên bổ sung men vi sinh để rác phân hủy khô ráo, tơi xốp, không chảy nước.

Mặc dù việc phân loại, xử lý rác hữu cơ, nhất là với địa bàn đô thị ở Nam Sách còn một số vướng mắc nhưng sau một thời gian quyết liệt thực hiện đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, cần tiếp tục nhân rộng trong toàn tỉnh.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/kinh-nghiem-phan-loai-rac-tai-nguon-o-la-co-dau-nam-sach-404858.html