Kinh nghiệm quản lý chất lượng trong giáo dục đại học

Quản lý chất lượng trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc gia diễn ra ngày 26/12.

Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Hội thảo do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức. Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức.

Những yêu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao, không chỉ từ phía người học, mà còn từ phía nhà tuyển dụng và xã hội. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và áp dụng những kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất lượng giáo dục là điều hết sức cần thiết.

 PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân nhìn nhận, Hội thảo là cơ hội để các nhà giáo dục, nhà khoa học và chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay.

Những bài học, mô hình quản lý chất lượng giáo dục từ các quốc gia khác sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và lựa chọn các mô hình hiệu quả vào thực tiễn giáo dục tại nước ta.

Chất lượng đào tạo trường đại học đã và đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, TS Đặng Lộc Thọ - Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển giáo dục (VUSTA) – cho rằng, chất lượng đào tạo tại các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Chất lượng đào tạo được duy trì khi xây dựng được các chương trình đào tạo với các chuẩn mực, phù hợp với yêu cầu của các bên liên quan; không ngừng cải tiến nâng chuẩn, ra quyết định phù hợp và cung cấp chương trình đào tạo để tổ chức thực hiện.

 đại biểu thảo luận tại hội thảo.

đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Nhấn mạnh các quan điểm đánh giá về chất lượng đào tạo, TS Đặng Lộc Thọ nêu 6 yếu tố, gồm: Đánh giá bằng đầu vào; đánh giá bằng đầu ra; đánh giá bằng giá trị gia tăng; đánh giá bằng giá trị học thuật; đánh giá bằng văn hóa tổ chức riêng; đánh giá bằng kiểm toán.

Theo tổ chức Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế (INQAAHE), chất lượng đào tạo tuân theo các chuẩn quy định; đạt được các mục tiêu đề ra.

Chia sẻ về năm thành phần chính ảnh hưởng đến việc cải tiến chất lượng đào tạo ở đại học, TS Đặng Lộc Thọ nhấn mạnh đến sự trung thực, chia sẻ quan điểm, kiên nhẫn, hết lòng làm việc, lý thuyết quản lý chất lượng tổng thể (TQM). Trong năm thành tố trên, chỉ có thành tố TQM) là có thể dạy và học được.

 Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội thảo.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội thảo.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đại học cần xác định sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của nhà trường phù hợp, cụ thể, đáp ứng được yêu cầu trong từng giai đoạn;

Đồng thời, xây dựng các biện pháp quản lý chất lượng đào tạo có tính hệ thống, đồng bộ, mềm dẻo; phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tất cả các bộ phận tham gia đảm bảo chất lượng đào tạo.

Mặt khác, cần tiếp cận với chuẩn chất lượng đào tạo của khu vực và thế giới để giáo dục đại học Việt Nam hòa nhập với thế giới.

 TS Đinh Thị Kim Thương.

TS Đinh Thị Kim Thương.

Tham luận tại hội thảo, TS Đinh Thị Kim Thương, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội chia sẻ 9 bài học kinh nghiệm, gồm: định hướng chiến lược rõ ràng; xây dựng tiêu chí đánh giá; nâng cao năng lực đội ngũ; tăng cường phối hợp liên ngành; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; quản lý dữ liệu và thông tin hiệu quả; đánh giá và phản hồi thường xuyên; khuyến khích đổi mới sáng tạo; tham gia vào cộng đồng quốc tế.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước. Từ hơn 100 bài nghiên cứu được gửi về, Hội thảo đã lựa chọn khoảng 80 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và mời đến trình bày của nhiều nhà nghiên cứu tiên phong và tâm huyết trong lĩnh vực này.

Minh Phong

Ảnh: BTC.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-nghiem-quan-ly-chat-luong-trong-giao-duc-dai-hoc-post713592.html