Kinh nghiệm quốc tế về đánh thuế với nước giải khát có đường

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Trước khi đưa ra quyết định, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp cho Việt Nam.

Có 108 quốc gia áp dụng

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thông tin, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách gia tăng thời kỳ hậu dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị các nước cần mở rộng cơ sở thuế tiêu thụ đặc biệt sang các sản phẩm như: đồ uống có đường, sản phẩm phát thải nhiều carbon, sản phẩm nhựa dùng một lần…

Theo WB (11.2023), hiện có 108/192 quốc gia, vùng lãnh thổ (chiếm 56%) áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Riêng giai đoạn 2016 - 2024, có 47 nước đã ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường như một chính sách tài khóa cho sức khỏe. Tại khu vực ASEAN, hiện có 6 nước đã áp dụng thuế này, bao gồm: Campuchia (2003), Lào (2005), Brunei và Thái Lan (2017), Philippines (2018) và Malaysia (2019).

Tuy nhiên, việc đánh thuế này có thực sự hiệu quả, giúp hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở các nước hay không vẫn chưa có luận chứng khoa học rõ ràng, ông Lực cho biết. Thậm chí, tại nhiều quốc gia, kể từ khi áp dụng, dù mức tiêu thụ nước giải khát có đường giảm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại tăng.

TS. Nguyễn Ngọc Yến, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, nêu một loạt dẫn chứng. Chẳng hạn, Ấn Độ bắt đầu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường từ năm 2017, song tỷ lệ thừa cân béo phì ở nữ giới đã tăng từ mức 20,6% (2015 - 2016) lên 24% (2019 - 2021); ở nam giới cũng tăng tương ứng từ 18,9% lên 22,9%; ở trẻ em tăng từ 2,1% lên 3,4%.

 Các chuyên gia tham dự hội thảo. Ảnh: Phạm Thắng

Các chuyên gia tham dự hội thảo. Ảnh: Phạm Thắng

Tại Chile, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường từ năm 2014. Năm 2015, mặc dù lượng tiêu thụ nước giải khát chịu thuế giảm 22% nhưng tổng lượng tiêu thụ đồ uống có đường không giảm. Tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng liên tục các năm sau đó: nam giới tăng từ 19,2% (2014) lên 30,3% (2017); nữ giới tăng từ 30,7% lên 38,4%.

Tương tự, Thái Lan áp thuế từ năm 2017. Mức tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày đã giảm từ 474 triệu lít vào năm 2018 xuống còn 453,8 triệu lít vào năm 2019, tương đương mức giảm 2,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng từ 28,7% năm 2014 lên 33,2% vào năm 2019…

Hay tại Philippines, nước này áp thuế từ năm 2018, song tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng từ 31,1% (2015) lên 38,6% (2021 - 2022)…

Có nhiều nguyên nhân khiến việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường chưa thực sự phát huy tác dụng trong việc hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở các nước. Dẫn kết quả của Liên đoàn Béo phì thế giới (WOF), chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, có 9 yếu tố nguy cơ gây ra bệnh béo phì, trong đó có thực phẩm sản xuất công nghiệp (bao gồm cả đồ uống).

Còn theo Tax Foundation, do thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có cơ sở rất hẹp, dẫn đến nguồn thu ngân sách không ổn định, không đủ lớn để trang trải cho những chương trình dài hạn vì mục tiêu sức khỏe của chính phủ, khiến giảm hiệu quả của chính sách thuế. Bên cạnh đó, thuế này không trung lập, khách quan, dễ dàng dẫn đến thay thế nước giải khát có đường bằng các sản phẩm khác, nhằm mục đích tránh thuế…

Bỏ thuế do không hiệu quả

Kinh nghiệm cũng cho thấy, một số quốc gia đã bỏ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do không hiệu quả, trong đó có Đan Mạch, Na Uy.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Yến, tại Đan Mạch, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường được áp dụng từ những năm 1930 và là một trong những nước tiên phong áp dụng với mức thuế cao nhất tại châu Âu. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch đã nhận thấy những tác động kinh tế của chính sách này, điển hình như việc người dân sang thị trường khác ở châu Âu để mua nước giải khát với giá thấp hơn, dẫn đến giảm 5.000 việc làm trong nước. Do đó, từ 1.1.2014, Đan Mạch chính thức bãi bỏ sắc thuế này, tỷ lệ béo phì vẫn được duy trì ở mức độ phù hợp so với thời gian trước khi bãi bỏ.

Tại Na Uy, áp dụng chính sách thuế đối với nước giải khát có đường từ năm 1981. Tuy vậy, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đến năm 2019 đã gia tăng gấp đôi, ở mức 15,5% với nam giới và 12,7% với nữ giới. Cùng với đó, thay vì giúp cho người tiêu dùng điều chỉnh thói quen, sắc thuế này đã thúc đẩy người dân chuyển hướng sang thị trường lân cận là Thụy Điển để tìm mua các sản phẩm tương tự. Vì thế, Na Uy đã loại bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống không cồn từ 1.7.2021…

Đáng chú ý, một số quốc gia không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhưng kiểm soát thừa cân, béo phì và tiểu đường hiệu quả.

Bà Yến thông tin, tại Nhật Bản có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (146 lít/người/năm) nhưng tỷ lệ béo phì chỉ 3,5%. Dự báo, mức tiêu thụ đồ uống không cồn tại Nhật Bản sẽ đạt khoảng 172,8 lít/người vào năm 2024. Hai bộ luật luật Shokuiku và Metabo quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh; đồng thời yêu cầu các công sở phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.

Tại Đức, theo Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở Đức là 336,3 lít, cao hơn nhiều so với mức trung bình của châu Âu (243,9 lít/ người). Tuy nhiên, Đức không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát. Thay vào đó, nước này áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất; áp dụng các quy định hạn chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng. Các biện pháp này được ghi nhận là sẽ giúp ngăn ngừa khoảng 218.000 trường hợp bị bệnh không lây nhiễm đến năm 2050.

Tại Singapore, Chính phủ không lựa chọn áp dụng biện pháp đánh thuế đối với nước giải khát có đường và không coi đó là một biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Thay vào đó, Singapore tập trung vào các chương trình khuyến khích tăng cường hoạt động thể chất và dinh dưỡng, như Chương trình Bữa ăn lành mạnh tại trường học và Thử thách Bước chân Quốc gia…

Từ những kinh nghiệm trên, các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần cân nhắc kỹ việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, có đánh giá tác động toàn diện. Chính sách thuế nếu có cũng chỉ là một công cụ, cần phải thực hiện đồng bộ với tăng cường giáo dục, tuyên truyền, áp dụng các chính sách và khuyến khích người dân duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, tăng cường các hoạt động thể chất…

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-danh-thue-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-post391023.html