Trình phương án thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
Tờ trình Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội. Đây là dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc sáng 21/10 tới.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (Dự thảo) quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Lần sửa đổi này, về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, Chính phủ tính 2 phương án.
Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Với mặt hàng rượu dưới 20 độ, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Mặt hàng bia cũng có 2 phương án. Một là, tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Hai là, tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Đánh giá tác động, Chính phủ tính toán, đối với Phương án 1, giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 2-3% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Với Phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
So sánh tác động của 2 phương án cho thấy, với phương án 2 sẽ có tác dụng tăng giá, giảm khả năng chi trả của các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động cao hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra. Do vậy, Chính phủ nghiêng về phương án 2.
Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm về phương pháp đánh thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia.
Cụ thể, đối với mặt hàng rượu, có một vài doanh nghiệp chuyên kinh doanh, nhập khẩu rượu cao cấp, giá cao của Anh, Pháp đề nghị xem xét áp dụng thuế hỗn hợp đối với rượu. Đối với mặt hàng bia, chỉ có 1 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia cao cấp, cận cao cấp giá cao đề nghị nghiên cứu xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tính thuế hỗn hợp (Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam).
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội và nhiều (hơn 20) doanh nghiệp sản xuất bia, rượu ...) đề nghị không áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, mà tiếp tục áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán ra của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu như hiện hành đối với mặt hàng bia.
Vì phương pháp này phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, đặc thù thị trường bia trong nước với 80% thị phần tiêu thụ là bia phổ thông và bia địa phương giá thấp trong khi có sự chênh lệch lớn về giá bán giữa sản phẩm cao cấp, cận cao cấp và sản phẩm phổ thông.
Theo thông lệ quốc tế, các nước phát triển thường áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp với mặt hàng đồ uống có cồn, bia, rượu vì giá bán và chất lượng tương đồng, ít sự khác biệt. Các nước đang phát triển thường áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phầm trăm trên giá bán đối với mặt hàng này, vì giá bán có sự chênh lệch lớn và chất lượng không tương đồng, đặc biệt có sự khác biệt rất lớn giữa rượu, bia phổ thông, địa phương giá thấp với rượu, bia cao cấp.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giá bán của rượu, bia phổ thông thấp hơn nhiều so với giá rượu, bia cao cấp, thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp hay thu thêm một khoản thuế tuyệt đối (thu thuế theo một mức tiền nhất định trên cùng một đơn vị sản phẩm), sẽ tạo áp lực lớn đối với các sản phẩm giá thấp.
Do việc, áp dụng bổ sung thuế tuyệt đối (sản phẩm có mức giá bán khác nhau đều chịu một khoản tiền thuế như nhau) sẽ dẫn đến tăng giá bán của dòng sản phẩm phổ thông nhiều hơn đáng kể so với sản phẩm giá cao. Do vậy, mặt hàng cao cấp, giá cao sẽ có thể thay thế chiếm lĩnh thị trường, từ đó gây áp lực với sản phẩm bia, rượu phổ thông, bình dân, ảnh hưởng đến sản xuất, khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng công ăn việc làm (do thị phần bia phổ thông và bia địa phương giá thấp đang chiếm khoảng 80%). Vì vậy, phương thức tính thuế hỗn hợp hay bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng rượu và bia chưa phù hợp trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cam kết áp dụng phương pháp tính thuế tỷ lệ đối với bia và việc áp dụng phương pháp tính thuế tỷ lệ đối với bia, rượu là hoàn toàn phù hợp cam kết của Việt Nam.
“Chính vì vậy, Chính phủ đã thảo luận kỹ về lựa chọn phương pháp tính thuế đối với rượu, bia. Trên cơ sở cân nhắc các yếu tố tác động đến ngành sản xuất rượu, bia trong nước và cam kết quốc tế khi gia nhập WTO”, tờ trình nêu rõ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trinh-phuong-an-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-d225513.html