Kinh nghiệm quốc tế về xử lý tội phạm rửa tiền và bài học với Việt Nam
'Hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao năng lực thực thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường sự tham gia của xã hội sẽ là những bước đi cần thiết để cải thiện hiệu quả phòng, chống rửa tiền từ tham nhũng trong thời gian tới. Chỉ khi những rào cản trên được tháo gỡ, pháp luật mới thực sự phát huy vai trò trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi nguy hiểm này', báo cáo trên nhấn mạnh...
Bộ Tư pháp vừa đăng tải công khai Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế về xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng.
Báo cáo này nằm trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2024 của dự án “Nâng cao năng lực của Bộ Tư pháp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng và kinh tế nhằm thực hiện Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tế tại Việt Nam (UNDP) tài trợ.
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ XỬ LÝ TỘI PHẠM RỬA TIỀN
Trong bối cảnh hiện nay, khi ứng dụng công nghệ trong thanh toán, thực hiện các giao dịch, chuyển nhượng ngày càng thuận tiện đã phần nào tạo điều kiện để tội phạm rửa tiền diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi.
Cùng với đó, với ưu điểm thuận tiện, dễ dàng trong luân chuyển vốn, sự luân chuyển của hàng hóa ngày càng gia tăng, các công ty, doanh nghiệp đa quốc gia xuất hiện nhiều thì khả năng tiếp cận các giao dịch, chuyển nhượng cũng như thông qua các khoản đầu tư liên quốc gia để rửa tiền ngày càng thuận lợi và gia tăng.
Khái niệm rửa tiền xuất hiện từ năm 1988. Về bản chất, rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng là hành vi che giấu để hợp pháp tiền, tài sản được hình thành từ các hoạt động tham nhũng thông qua các giao dịch, các chuyển nhượng, qua đó nhằm tạo ra vỏ bọc hợp pháp cho các tài sản tham nhũng. So với các tội phạm nguồn khác thì tội phạm tham nhũng là nhóm tội có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền được đánh giá ở mức độ tương đối cao.
Báo cáo cũng chỉ ra, Hàn Quốc đã thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối toàn diện với hành vi rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng bao gồm Luật về Báo cáo và sử dụng thông tin giao dịch tài chính đặc biệt (FTRA) và Luật về quy định và xử phạt hành vi che giấu tài sản do phạm tội mà có (POCA).
Tại Trung Quốc, Luật Chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác quy định các tổ chức tài chính có nghĩa vụ thiết lập hệ thống nhận diện khách hàng, hệ thống lưu giữ hồ sơ danh tính khách hàng và giao dịch, hệ thống báo cáo các giao dịch lớn và giao dịch đáng ngờ. Ba hệ thống cơ bản này quy định các biện pháp phòng chống rửa tiền bao gồm phòng ngừa trước, giám sát và điều tra sau.
Còn theo pháp luật Singapore, có ba cơ quan thực thi pháp luật trực tiếp tham gia điều tra các vụ rửa tiền gồm Lực lượng cảnh sát Singapore, Cục Phòng chống ma túy trung ương và Cục điều tra hành vi tham nhũng.
Pháp luật Singapore cũng được sửa đổi để tăng cường khả năng truy tố các tội rửa tiền xuyên quốc gia. Đơn cử, năm 2014, các sửa đổi cho phép công tố viên không cần phải chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa tội phạm ma túy hoặc tội phạm nghiêm trọng ở nước ngoài với số tiền bị cáo buộc rửa tiền ở Singapore; chỉ cần công tố viên chứng minh rằng đối tượng rửa tiền biết hoặc có lý do hợp lý để tin rằng tài sản họ đang xử lý là lợi nhuận từ hành vi phạm tội.
Còn một trong những đặc điểm nổi bật của Bộ luật Hình sự nước Đức hiện hành là cách tiếp cận “mọi tội phạm”, nghĩa là bất kỳ hành vi phạm tội nào cũng có thể trở thành tiền đề cho rửa tiền để đảm bảo tính bao quát.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Điều 261 Bộ luật Hình sự nước Đức không chỉ nhắm vào người phạm tội trực tiếp mà còn mở rộng đến những người có vai trò gián tiếp, đồng thời khuyến khích sự hợp tác từ các cá nhân và tổ chức để ngăn chặn hành vi rửa tiền.
Còn điểm đáng chú ý trong hệ thống pháp luật của nước Australia là quyền tịch thu tài sản nghi ngờ liên quan đến rửa tiền mà không cần kết án chính thức. Quyền này được quy định trong Luật về tài sản do phạm tội mà có năm 2002.
Theo điều 19, các cơ quan thực thi pháp luật có thể yêu cầu lệnh tịch thu, đóng băng hoặc hạn chế tài sản nếu có căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng tài sản này được sử dụng hoặc thu được từ hành vi phạm tội, bao gồm cả rửa tiền. Điều này tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn việc sử dụng tài sản bất hợp pháp trước khi chúng được chuyển đổi hoặc tiêu hủy.
BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Theo nhóm nghiên cứu, để ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần tăng cường cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập; hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Bởi lẽ thực tiễn chống tội phạm trên thế giới cho thấy làm giàu bất hợp pháp chủ yếu bắt nguồn từ việc thực hiện tội phạm có tổ chức và tội phạm tham nhũng.
Cũng theo báo cáo, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323) và tội Rửa tiền (Điều 324). Trong khi đó, việc chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có về bản chất cũng là một trong những quy trình nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản do phạm tội mà có, nhằm chuyển hóa tài sản do phạm tội mà có thành tài sản hợp pháp.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, cần nghiên cứu để hợp nhất 2 tội danh này nhằm thống nhất về chế tài xử lý.
Đặc biệt, trên thực tiễn ngày càng nhiều người tham gia vào hoạt động mua bán “tiền ảo”, do đó cần có hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động liên quan đến các hoạt động giao dịch loại tiền này… Mặt khác, cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và ngân hàng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
“Hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao năng lực thực thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường sự tham gia của xã hội sẽ là những bước đi cần thiết để cải thiện hiệu quả phòng, chống rửa tiền từ tham nhũng trong thời gian tới. Chỉ khi những rào cản trên được tháo gỡ, pháp luật mới thực sự phát huy vai trò trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi nguy hiểm này”, báo cáo trên nhấn mạnh.