Kinh nghiệm tái cơ cấu hiệu quả của vùng đất 'tiểu sa mạc'

Ninh Thuận là địa phương được xem như vùng đất 'tiểu sa mạc' bởi tác động liên tục của biến đổi khí hậu. Hậu quả khắc nghiệt của hạn hán gây ra trong những năm qua đã đem lại bài học kinh nghiệm đắt giá cho tỉnh Ninh Thuận trong việc quy hoạch cũng như tổ chức lại sản xuất.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để vực dậy ngành nông nghiệp, Ninh Thuận tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp gồm: đầu tư hạ tầng thủy lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế; thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Thực tế đối với Ninh Thuận, bài toán khó nhất vẫn là nguồn nước mỗi khi đến mùa khô hạn. Để giải quyết khó khăn trên, 3 năm qua, Ninh Thuận đã tập trung đầu tư hơn 2.330 tỷ đồng nâng cấp 63 công trình thủy lợi dẫn nước tưới tiêu. Nhờ đó đã nâng diện tích đất trồng trọt chủ động nước tưới lên 53,7%, tăng 4,1% so với năm 2015.

Ninh Thuận đã quy hoạch rất cụ thể, chi tiết cho từng vùng sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng, vừa mang tính đặc thù của địa phương nhưng cũng mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân như: vùng trồng nho, táo, ngô giống, lúa giống và măng tây xanh ở huyện Ninh Phước; vùng trồng rau màu, nha đam ở huyện Ninh Hải; vùng trồng cây ăn quả ở huyện Ninh Sơn; vùng trồng bưởi da xanh ở huyện Thuận Bắc; vùng chăn nuôi ở huyện Thuận Nam và Bác Ái…

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, để thích ứng với tình hình khô hạn, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích gần 6.500 ha; trong đó, chuyển đổi bền vững sang trồng cây dài ngày gần 1.500 ha, chủ yếu là nho, táo, bưởi, măng tây xanh, nha đam… Đây là các loại cây trồng chủ lực bởi mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân lên gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa; đồng thời, tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước.

Vườn nho giống NH 01-152 tại xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Vườn nho giống NH 01-152 tại xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Mọi, Chủ trang trại sản xuất nho Ba Mọi ở huyện Ninh Phước cho biết, quyết sách về quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức lại sản xuất của tỉnh để ứng phó với biến đổi khí hậu đang phát huy hiệu quả tích cực. Thời gian qua, dù nhiều mặt hàng nông sản ở các tỉnh, thành gặp nhiều khó khăn bởi thị trường đóng cửa, do tác động từ dịch COVID-19, nhưng nho và sản phẩm nói chung ở Ninh Thuận vẫn hút hàng, không đủ cung cấp cho thị trường trong nước.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, đúng quy hoạch gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thấu hiểu nhu cầu thị trường tiêu thụ là chìa khóa thành công của trang trại sản xuất nho Ba Mọi. Ngoài những diện tích nho hiện có, ông Ba Mọi còn mở rộng diện tích trồng các giống nho mới như giống NH-01.48, NH-01.152 và các giống nho làm rượu. Không những thế, ông còn đầu hệ thống nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nho như: rượu vang nho; mật nho; siro nho; mứt nho…, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiệu quả có được là nhờ sự chủ động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa nông dân và doanh nghiệp. Đơn cử trong năm 2019, Ninh Thuận đã có hơn 30 mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp. Điển hình như mô hình sản xuất lúa giống; mô hình liên kết sản xuất ngô giống; măng tây xanh; nho; mía đường; sắn… đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập trên đơn vị diện tích và tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú ở huyện Ninh Phước chia sẻ, kể từ khi chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp được khơi thông, người dân xã An Hải đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, biến vùng đất cát khô hạn thành vùng chuyên canh trồng măng tây phủ xanh đồi cát trắng với diện tích hơn 50 ha.

Thời gian qua, hợp tác xã cũng đã liên kết với một doanh nghiệp hỗ trợ giống, kinh phí để xã viên vay đầu tư, mở rộng diện tích trồng măng tây. Hợp tác xã có trách nhiệm thu mua nông sản của xã viên và người dân để bán lại cho doanh nghiệp chế biến, đảm bảo cung - cầu và lợi ích đôi bên.

Tỉnh Ninh Thuận cũng có nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đến cuối năm 2019, Ninh Thuận đã thu hút 8 dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 200 ha; trong đó phải kể đến một số dự án trồng rau màu, cây ăn trái của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh; trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp Tân Tiến tại huyện Ninh Phước; dự án trang trại Sun and Wind của Công ty cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt tại huyện Ninh Sơn… đang đầu tư theo một quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều diện tích sản xuất ở huyện Thuận Nam trở thành vùng chăn nuôi gia súc do không có nước để gieo cấy. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Nhiều diện tích sản xuất ở huyện Thuận Nam trở thành vùng chăn nuôi gia súc do không có nước để gieo cấy. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra các giải pháp mang tính cấp bách. Theo đó, tỉnh có cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh có tiềm năng và lợi thế, đảm bảo giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng từ 6 - 7%/năm; giá trị sản xuất tăng từ 7 - 8%/năm.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh tập trung nhận diện các nguồn lực và lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chủ động hỗ trợ cho từng lĩnh vực, từng mô hình cụ thể để phát huy hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện và thực tiễn sản xuất trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tỉnh Ninh Thuận đang khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp; đưa thành tựu khoa học - công nghệ mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; đồng thời thu hút đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị.

Trước mắt, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ; đồng thời khuyến khích các hợp tác xã, các doanh nghiệp phát triển mô hình nông nghiệp - du lịch gắn với phát triển các sản phẩm đặc thù…

Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát, điều chỉnh hoàn thành quy hoạch các vùng chuyển đổi cây trồng, vùng sản xuất tập trung; phấn đấu chuyển đổi trên 8.000 ha đất trồng lúa kém hiệu sang trồng các loại cây ngắn ngày, cây trồng có tính đặc thù, tiết kiệm nước nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, ngành tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng của cây ăn quả, cây công nghiệp, cây rau đậu và giảm tỷ trọng cây lương thực; chú trọng phát triển các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao như: nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây, mía, sắn, giống lúa, ngô… Trước mắt, tỉnh tập trung phát triển diện tích nho, táo đạt quy mô 3.200 ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn nho, 55.000 tấn táo.

Đồng thời, đầu tư phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng có thương hiệu, thị trường tiềm năng như: cây măng tây xanh với diện tích 500 ha, cây nha đam trên diện tích 500 ha trong năm 2020.

Tỉnh cũng phấn đấu đưa dự án của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Nhật Thành Food, Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hải Âu và Công ty THHH Dược liệu Phước Điền… và dự án thành phần xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở xã An Hải, huyện Ninh Phước vào hoạt động trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.

Công Thử (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-nghiem-tai-co-cau-hieu-qua-cua-vung-dat-tieu-sa-mac-20200316083814124.htm