Kinh nghiệm 'xương máu' giúp lái xe an toàn khi đi ngược nắng

Việc phải lái xe ở những cung đường bị nắng 'xiên khoai' là điều không mấy dễ chịu với cánh tài xế, ngay cả vào thời điểm đầu mùa đông như hiện nay.

Nắng chiếu ngược vào khoang lái tại thời điểm 8-9 giờ sáng hay 4-5 giờ chiều luôn khiến cánh tài xế khó chịu. Ngay cả với những ngày đầu đông như hiện nay, cường độ nắng mạnh vẫn khiến tài xế gặp không ít khó khăn và bất tiện khi quan sát phía trước.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, anh Hoàng Văn Thịnh - giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội với gần 20 năm kinh nghiệm cầm vô lăng cho rằng, ánh nắng chiếu thẳng vào kính lái trong thời gian dài là một trong các trường hợp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi nắng gắt gây chói lóa, làm cho mắt tài xế nhanh mỏi, ảnh hưởng đến tầm quan sát dẫn đến mất an toàn.

Vào thời điểm 8-9h sáng hay 4-5h chiều, ánh nắng sẽ chiếu theo một góc xiên chéo với cường độ khá gắt, ngay cả trong những ngày thu đông như hiện nay. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp

Vào thời điểm 8-9h sáng hay 4-5h chiều, ánh nắng sẽ chiếu theo một góc xiên chéo với cường độ khá gắt, ngay cả trong những ngày thu đông như hiện nay. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp

Để khắc phục việc nắng chiếu thẳng vào mắt các tài xế, anh Thịnh chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

Sử dụng tấm che trên kính trước

Trên hầu như tất cả các dòng xe ô tô đều được trang bị tấm che nắng gắn liền trên trần xe, phía trên kính lái. Khi gặp nắng chiếu ngược, tấm che này khi được bẻ xuống là một dụng cụ hữu ích giúp hạn chế nắng chiếu thẳng vào khoang lái gây chói mắt, không chỉ cho tài xế mà cả người ngồi ở ghế phụ.

Một điều mà nhiều người sử dụng xe lâu năm có thể không biết, đó là tấm che nắng này ngoài việc che ở khu vực kính trước còn có thể bẻ xoay ngang để che ánh nắng chiếu xiên từ phía cửa kính xe. Đồng thời đa số các tấm chắn nắng đều có thể kéo dài thêm khoảng 3-5cm để che nắng vào vị trí phù hợp.

Tấm chắn nắng trên kính ô tô là dụng cụ hữu hiệu khi lái xe gặp nắng xiên. Ảnh: Tân Phan

Tấm chắn nắng trên kính ô tô là dụng cụ hữu hiệu khi lái xe gặp nắng xiên. Ảnh: Tân Phan

Đeo kính râm

Khi gặp nắng chiếu trực tiếp vào khoang lái, kính râm (kính mát) là vật dụng hiệu quả vừa giúp giảm cường độ ánh sáng tới mắt, lại ngăn chặn được các tia UV gây hại. Do vậy, tài xế luôn nên trang bị trên xe một chiếc kính râm để sử dụng khi đi trong điều kiện nắng gắt nói chung và ngược nắng nói riêng.

Theo anh Thịnh, nếu có điều kiện, có thể sử dụng loại kính râm phân cực để có tác dụng chống chói tốt hơn, giảm phản xạ gây chói từ các bề mặt phẳng và sáng như mặt đường, nắp ca-pô hay từ các xe đi ngược chiều.

Đội mũ lưỡi trai

Cùng với kính râm, mũ lưỡi trai là vật dụng được nhiều tài xế thường trực để trên xe để sử dụng khi cần. Đội mũ lưỡi trai giúp giảm thiểu việc ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt khi lái xe, đồng thời giúp tài xế tập trung quan sát đường phía trước hơn.

Đội mũ lưỡi trai giúp lái xe tập trung và đỡ mỏi mắt hơn. Ảnh: Hoàng Hiệp

Đội mũ lưỡi trai giúp lái xe tập trung và đỡ mỏi mắt hơn. Ảnh: Hoàng Hiệp

Không nhìn quá lâu vào những vùng quá sáng

Một mẹo được các "tài già" đưa ra khi lái xe trong điều kiện nắng gắt, nắng chiếu thẳng vào mắt là không nhìn lâu vào những khu vực có ánh sáng mặt như đường chân trời hay mặt đường nhựa,... Nếu có thể, nên "đảo" sang những vùng tối và dịu mắt hơn như hàng cây để mắt có thời gian nghỉ ngơi.

Giữ khoảng cách an toàn

Việc lóa mắt bởi ánh nắng khiến tài xế khó quan sát và phản xạ cũng chậm hơn. Do đó, trong trường hợp phải lái xe dưới điều kiện ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào kính lái, các bác tài nên giữ khoảng cách lớn hơn bình thường với xe phía trước để có thời gian xử lý trong các tình huống bất ngờ.

Ngoài các kinh nghiệm nói trên, anh Hoàng Văn Thịnh cũng khuyên cánh tài xế nên điều chỉnh thời điểm di chuyển hoặc chủ động nghỉ ngơi phù hợp để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời có thể đầu tư dán phim cách nhiệt cho kính lái để có tác dụng chống chói, cản sáng và ngăn chặn các tia UV có hại cho mắt.

Theo vietnamnet.vn

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/o-to-xe-may/kinh-nghiem-xuong-mau-giup-lai-xe-an-toan-khi-di-nguoc-nang-140590.html