Kinh phí chi tinh giản biên chế lấy từ nguồn nào?

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 5/6/2019 hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Ông Bùi Hữu Tuấn (Gia Lai) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn việc giải quyết chế độ chính sách cho trường hợp sau:

Ông T. là công chức được điều động sang công tác tại Hội Chữ thập đỏ thị xã (Hội đặc thù được giao biên chế) và được UBND tỉnh phê duyệt cho nghỉ hưu trước tuổi theo Quyết định 432/QĐ-UBND ngày 30/6/2022. Ông T. được hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi là 74,238 triệu đồng.

Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 5/6/2019 của Bộ Tài chính "Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của hội theo quy định".

Trong khi đó, hiện nay Hội Chữ thập đỏ thị xã chỉ vận động ủng hộ các nguồn quỹ như: Phong trào Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam; vận động ủng hộ tháng nhân đạo... Các nguồn quỹ này chỉ để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Việc thu hội phí không đạt so với chỉ tiêu tỉnh giao nên Hội Chữ thập đỏ thị xã không có nguồn để chi trả chế độ cho ông T.

Ông Tuấn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí để bảo đảm chi trả chế độ cho ông T. kịp thời và đúng quy định.

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 8 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: "Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ".

Tại Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế quy định về đối tượng tinh giản biên chế: "Những người làm việc trong biên chế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền".

Tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định: "Kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế đối với đối tượng quy định tại Khoản 3, 6 Điều 6 Nghị định này lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập, hội".

Tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định: "Những người là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm đ, e, g Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP".

Tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn về kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định này.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 5/6/2019 hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Căn cứ Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 31/2019/TT-BTC quy định: "Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của hội theo quy định".

Nguồn kinh phí của các hội được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Do vậy, đề nghị Hội Chữ thập đỏ thị xã chi trả chế độ cho ông T. theo các quy định nêu trên.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kinh-phi-chi-tinh-gian-bien-che-lay-tu-nguon-nao-10223032010024719.htm