Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC), viên chức.
Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số
Thông tư 06/2023/TT-BTC (TT 06) sửa đổi quy định về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức như sau: Đối với CBCC, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được đảm bảo từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng CBCC; đóng góp của CBCC; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Đối với viên chức, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
So với quy định hiện hành, TT 06 đã bổ sung một số quy định chi tiết về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức từ nguồn tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán NSNN được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Còn với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán NSNN được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác nếu có.
Trường hợp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo các chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nguồn kinh phí thực hiện theo các chương trình, đề án đó.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, UBND cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho CBCC, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Chi không quá 10% trên tổng kinh phí của mỗi lớp học cho hoạt động quản lý trực tiếp
Trong nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn NSNN dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC, TT 06 đã bổ sung 2 nguyên tắc: căn cứ phân loại đơn vị sự nghiệp công theo phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quyết định một số mức chi, nội dung chi theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức sử dụng NSNN thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Đồng thời, trong nội dung chi do các cơ sở bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức, giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng thực hiện, TT 06 bổ sung các chi phí phát sinh trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa, bao gồm: chi mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa (phần mềm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; bài giảng, phần mềm mô phỏng, thiết bị phục vụ giảng dạy trực tuyến từ xa; chi phí đường truyền và các chi phí công nghệ thông tin khác); chi số hóa tài liệu và các chi phí khác phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa.
Về mức chi bồi dưỡng CBCC trong nước, TT 06 đã bổ sung các khoản chi phí theo thực tế phục vụ trực tiếp lớp học 3 loại chi phí sau: chi tạo lập mới hoặc thuê hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến từ xa. Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng CBCC căn cứ sự cần thiết quyết định việc mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng CNTT theo phân cấp quản lý; tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu, chứng từ, hóa đơn, các quy định về ứng dụng CNTT.
Chi số hóa tài liệu phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến từ xa. Khoản chi này thực hiện theo quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chi mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành đối với các lớp học cần sử dụng vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành.
Chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng được quy định như sau: cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ quan tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCC được phép trích tối đa không quá 10% trên tổng kinh phí của mỗi lớp học và được tính trong phạm vi nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ để chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC. Kinh phí phục vụ quản lý lớp học không chi hết, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan tổ chức lớp bồi dưỡng được chủ động sử dụng cho các nội dung khác có liên quan phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC.
Thông tư 06/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2023.