Kinh phí hỗ trợ tăng theo năm, khuyến công Ninh Bình đạt hiệu quả tốt

Kinh phí dành cho công tác khuyến công tăng theo từng năm, giúp Ninh Bình hỗ trợ nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn mở rộng sản xuất.

Dành nguồn lực lớn cho triển khai công tác khuyến công

Tại buổi làm việc với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Bình nhận định, công tác khuyến công của địa phương triển khai ngày một đi vào chiều sâu. Hoạt động khuyến công đã được triển khai đồng bộ, hệ thống văn bản quản lý về hoạt động khuyến công tương đối hoàn thiện.

Công tác phối kết hợp trong tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đã động viên và huy động được nhiều nguồn lực tham gia, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công giai đoạn, nội dung khuyến công cụ thể, rõ ràng, phù hợp nhu cầu, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.

Hệ thống tổ chức làm công tác khuyến công từng bước hoàn thiện, đã hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, khảo sát học tập kinh nghiệm nên chất lượng cán bộ khuyến công ngày được nâng lên.

Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương kiểm tra tình hình thực hiện đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Cục Công Thương địa phương).

Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương kiểm tra tình hình thực hiện đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Cục Công Thương địa phương).

Đặc biệt, do được xác định là “vốn mồi” quan trọng cho phát triển công nghiệp nông thôn, những năm qua, kinh phí dành cho công tác khuyến công của địa phương có xu hướng tăng.

Về khuyến công quốc gia, năm 2022, Ninh Bình được phê duyệt 2,2 tỷ đồng hỗ trợ 2 đề án, địa phương đã hoàn thành đạt 100% so với kế hoạch; năm 2023 được hỗ trợ 3 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, các đề án đều hoàn thành đúng kế hoạch.

Khuyến công địa phương, năm 2023 Sở Công Thương được Hội đồng nhân dân phê duyệt hỗ trợ cho 28 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ 3,658 tỷ đồng. Sang năm 2024, chương trình khuyến công địa phương được phê duyệt hỗ trợ 29 đề án với kinh phí 5,488 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, Sở Công Thương, Sở Tài chính thẩm định và cấp ứng 70% kinh phí hỗ trợ, tương ứng 1,784 tỷ đồng. Trung tâm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đã đăng ký, hướng dẫn đơn vị làm báo cáo tiến độ và kiểm tra tiến độ thực hiện đề án của các đơn vị thụ hưởng.

Quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch năm

Với quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công năm 2024, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Bình thông tin, địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, hoàn thành kế hoạch khuyến công đã được phê duyệt.

Sở Công Thương tập trung phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thành phố và đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các đề án khuyến công đã được phê duyệt.

Trong dài hạn, địa phương xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với nguồn kinh phí lớn nhằm tạo sự bứt phá và có bước chuyển biến rõ rệt. Ngoài các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính sẽ tăng cường hoạt động tư vấn khuyến công hỗ trợ phi tài chính cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Bình cũng cho hay, công tác khuyến công còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai.

Cụ thể, thời gian từ lúc khảo sát, lựa chọn đơn vị thực hiện, lập đề án và công tác thẩm định đề án kéo dài dẫn đến các đề án khuyến công còn phải điều chỉnh theo điều kiện thực tế.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hộ kinh doanh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính còn hạn chế không đảm bảo được nguồn kinh phí đối ứng nên không thể triển khai thực hiện đề án dẫn đến kế hoạch đầu tư thay đổi, điều chỉnh.

Ngoài ra, một số cơ sở công nghiệp nông thôn quy mô hộ kinh doanh sản xuất nhỏ muốn đầu tư máy móc xin hỗ trợ chỉ thực hiện mức dưới 30% tổng mức đầu tư (trên 30% phải đấu thầu cạnh tranh, hộ kinh doanh không đủ năng lực) nên khó khăn khi thực hiện.

Để công tác khuyến công của địa phương triển khai thuận lợi, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Bình đề xuất, Bộ Công Thương sớm sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn thực hiện theo hướng tăng các mức hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là tăng mức hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị từ 300 triệu đồng/cơ sở tăng lên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tùy thuộc vào mức độ đầu tư của đơn vị.

Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở Công nghiệp nông thôn (kinh phí hỗ trợ khuyến công) không phải là thu nhập bất thường.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-phi-ho-tro-tang-theo-nam-khuyen-cong-ninh-binh-dat-hieu-qua-tot-332020.html