Kinh tế 7 tháng: Cẩn trọng với các bất định bên ngoài

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực, song cũng xuất hiện một số yếu tố cần lưu ý.

Cầu nội địa cải thiện tích cực là một trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng

Cầu nội địa cải thiện tích cực là một trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng

Nhiều điểm sáng

Bức tranh kinh tế - xã hội qua số liệu của Tổng cục Thống kê là khá sáng khi mà các động lực của tăng trưởng vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Theo đó, sản xuất công nghiệp 7 tháng ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016. Điều đó có được một phần cũng nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm là 20,22 tỷ USD; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hút nhiều vốn nhất với 14,46 tỷ USD.

Bên cạnh đó xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực bất chấp những bất ổn từ thị trường thế giới. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2019 ước đạt 22,60 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước, qua đó giúp 7 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, ngân hàng, dù mức tăng chỉ bằng hơn một nửa năm ngoái (tăng 13,5%) nhưng vẫn là tích cực trong bối cảnh rủi ro thương mại tiếp diễn. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%). Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Đặc biệt, cầu nội địa đang cho thấy là một trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục khả quan trên nền tăng cao với mức tăng trong tháng 7 là 1,7% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả 7 tháng tăng 11,6%, của cùng kỳ năm trước (12%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,74% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,72%).

Với sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào nên tiêu dùng tiếp tục là một điểm sáng tích cực, lĩnh vực này đang là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Một điểm sáng nữa không thể không nói tới đó là tinh thần khởi nghiệp vẫn tăng cao. Bằng chứng là trong 7 tháng đầu năm có tới 79,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 999,4 nghìn tỷ đồng, dù chỉ tăng 4,6% về số DN nhưng tăng tới 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018...

Quan trọng hơn là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI bình quân 7 tháng tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây (cùng kỳ 2017 tăng 3,91%; 2018 tăng 3,45%)… Với diễn biến lạm phát này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây là yếu tố tích cực. Bên cạnh những nguyên nhân từ thị trường giá cả, TS.Cấn Văn Lực cho biết thêm, lạm phát có mức tăng thấp còn do sự phối hợp chính sách giữa tiền tệ, tài khóa và giá cả về cơ bản tương đối tốt.

Quan ngại và giải pháp

Dù các số liệu kinh tế cho thấy xu hướng tiếp tục tích cực, nhưng TS. Lực cũng lưu ý đã xuất hiện những thách thức và quan ngại cần tháo gỡ trong những tháng tiếp theo. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu cho thấy nhiều khó khăn, đặc biệt là về mặt thị trường hàng hóa xuất khẩu khi 7 tháng đầu năm, các thị trường lớn và chủ chốt của Việt Nam như thị trường EU, Trung Quốc gần như không tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là về giá. Không chỉ ở vấn đề thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp còn tiếp tục gặp khó khăn hơn vì các yếu tố trong nước, nhất là liên quan đến dịch tả, thời tiết hạn hán.

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục xu hướng chậm chạp, khi tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 chỉ đạt 8,5% và 7 tháng chỉ đạt 44,9% so với kế hoạch năm. Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 dù vẫn nằm trong ngưỡng mục tiêu nhưng cũng cần lưu tâm hơn.

TS. Võ Trí Thành – thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng lưu ý về tính bất định bên ngoài còn cao, từ các yếu tố địa chính trị, thương chiến, điều chỉnh CSTT của các nước lớn… “Cho nên bên cạnh kịch bản chính là Việt Nam nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng 6,7-6,8% hoặc nhỉnh hơn song vẫn phải rất chú trọng đến bối cảnh bên ngoài và tăng sức đề kháng cho nền kinh tế. Theo đó, linh hoạt nhưng đảm bảo ổn định của CSTT; tăng gối đệm tài khóa, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và lành mạnh hóa hệ thống NH vẫn là những vấn đề cần tập trung hiện nay”, TS. Thành đề xuất.

Chia sẻ quan điểm trên song theo TS. Cấn Văn Lực, ngoài ra cần lưu ý tháo gỡ những khó khăn trong khả năng có thể đối với ngành nông nghiệp. Đặc biệt, phải kiên quyết ngăn chặn dịch tả, tránh để lây lan sang các trang trại nuôi quy mô lớn vì có thể gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vẫn cần tiếp tục lưu ý đảm bảo ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát và điều hành CSTT một cách thận trọng và linh hoạt để một mặt không để lạm phát cơ bản vượt 2%, mặt khác phối hợp tốt với CSTK và giá cả để ngăn áp lực lạm phát chung bùng phát trở lại. Về xuất khẩu, cần hết sức chú trọng đa dạng hóa thị trường và chủ động hơn để tận dụng các FTA đã có.

Đỗ Phạm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-7-thang-can-trong-voi-cac-bat-dinh-ben-ngoai-90509.html