Kinh tế Anh có nguy cơ suy thoái sâu trong năm 2023
Do mức sống hộ gia đình suy giảm mạnh và lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế dự báo sự suy giảm kinh tế của Vương quốc Anh trong năm 2023 có khả năng sẽ nghiêm trọng gần bằng cuộc suy thoái tại Nga, quốc gia đang vất vả đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.
Nền kinh tế sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2023, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Vương quốc Anh trong năm 2023 sẽ ở mức âm 1,2%, thấp hơn nhiều so với tất cả các nền kinh tế lớn khác trong nhóm G10. Tới năm 2024, nền kinh tế của quốc gia này sẽ có một số cải thiện và sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 0,9%.
Với các dự báo này, tăng trưởng kinh tế của Anh chỉ cao hơn một chút so với Nga - quốc gia được Goldman Sachs dự đoán sẽ tăng trưởng âm 1,3% trong năm 2023 do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Tới năm 2024, tình hình kinh tế Nga sẽ được cải thiện với GDP tăng tốc ở mức 1,8%.
Trên thực tế, các dự báo của Goldman Sachs thấp hơn mức dự báo chung của thị trường là tăng trưởng của nước Anh sẽ ở mức âm 0,5% trong năm 2023 và cải thiện lên ngưỡng 1,4% vào năm 2024. Tuy nhiên, có một điểm tương đồng chính là nhiều tổ chức, bao gồm OECD, đồng tình rằng Vương quốc Anh sẽ tụt hậu đáng kể so với các quốc gia phát triển khác trong nhiều năm tới. Bất chấp việc phải đối mặt với những thách thức kinh tế như nhau, nền kinh tế Anh sẽ ghi nhận hiệu suất kém hơn hẳn so với các quốc gia G7 còn lại.
Jan Hatzius - Kinh tế trưởng của Goldman Sachs và nhóm của ông kết luận rằng, khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh đều đã rơi vào suy thoái, vì cả hai đều phải chịu đựng “sự gia tăng lớn hơn và kéo dài hơn trong các hóa đơn năng lượng của hộ gia đình” và sẽ đẩy lạm phát lên mức cao hơn so với trước đây.
″Đổi lại, lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến thu nhập thực tế, tiêu dùng và sản xuất công nghiệp. Chúng tôi dự báo thu nhập thực tế sẽ giảm thêm 1,5% ở khu vực đồng Euro cho đến quý I/2023 và 3% ở Anh đến quý II/2023, trước khi tăng lên trong nửa cuối năm” - nhóm chuyên gia của Goldman Sachs nhận định.
Mức sống giảm mạnh và hộ gia đình sẽ phải tiết giảm chi tiêu
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) dự đoán, quốc gia này phải đối mặt với mức sống giảm mạnh nhất được ghi nhận cho tới nay. Cùng với tuyên bố ngân sách của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt vào tháng 11/2022, OBR dự báo rằng thu nhập khả dụng thực tế của hộ gia đình - thước đo mức sống - sẽ giảm 4,3% trong năm 2022-23.
Công ty tư vấn KPMG cũng đưa ra dự đoán rằng, GDP thực tế của Vương quốc Anh sẽ giảm 1,3% vào năm 2023, trong bối cảnh “suy thoái tương đối nông nhưng kéo dài”, trước khi phục hồi một phần, đạt tăng trưởng dương 0,2% vào năm 2024.
Việc siết chặt thu nhập được coi là động lực chính, vì lạm phát và lãi suất cao hơn làm giảm đáng kể sức mua của các hộ gia đình. Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 3,5% trong tháng 12/2022, mức cao nhất trong 14 năm, nhằm hạ nhiệt lạm phát cao.
KPMG kỳ vọng Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 4% trong quý đầu tiên của năm nay, trước khi áp dụng phương pháp “chờ xem” khi lạm phát dần hạ nhiệt.
“Thị trường lao động bắt đầu xấu đi từ nửa đầu năm 2023, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 5,6% vào giữa năm 2024, tương ứng với mức tăng khoảng 680.000 người” - các nhà kinh tế của KPMG cho biết trong một báo cáo triển vọng công bố hồi tháng 12/2023.
Yael Selfin - kinh tế trưởng tại KPMG UK cho biết, giá thực phẩm và năng lượng tăng đột biến cùng với lạm phát tổng thể cao hơn đã cắt giảm sức mua của các hộ gia đình.
“Lãi suất tăng đã tạo thêm một cơn gió ngược cho tăng trưởng. Các hộ gia đình có thu nhập thấp đặc biệt phải đối mặt với sự kết hợp của áp lực giá cả hiện tại, vì các loại chi tiêu bị ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu rơi vào nhu cầu thiết yếu, với rất ít sản phẩm thay thế trong thời gian ngắn” - Selfin cho biết trong báo cáo.
Các hộ gia đình dự kiến sẽ hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu vào năm 2023 để đối phó với tình trạng thu nhập bị siết chặt. Khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các hạng mục chi tiêu không thiết yếu của những hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá năng lượng tăng cao sẽ giảm mạnh, bao gồm cả chi tiêu cho ăn uống và giải trí.
Cùng với những “cơn gió ngược” trên toàn cầu phát sinh từ cuộc xung đột tại Ukraine và tắc nghẽn nguồn cung liên quan đến các biện pháp phòng chống Covid-19 của Trung Quốc và hậu quả của đại dịch, Vương quốc Anh phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt trong nước như cuộc khủng hoảng bệnh tật kéo dài đã thắt chặt thị trường lao động. Đất nước này cũng đang trải qua tình trạng thương mại bị suy giảm nghiêm trọng do hậu quả của Brexit.
Jan Hatzius - Kinh tế trưởng của Goldman Sachs cho biết: “Mặc dù hàng hóa đã thúc đẩy mức tăng đột biến ban đầu của lạm phát, nhưng áp lực về giá đã mở rộng đáng kể trên các danh mục cốt lõi ở cả khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh sau những bất ngờ về lạm phát tăng cao”.
“Trên thực tế, áp lực giá cốt lõi của Vương quốc Anh hiện đang rộng nhất trong G10, cùng với cơn bão hoàn hảo của cuộc khủng hoảng năng lượng (như ở lục địa châu Âu) và thị trường lao động quá nóng (như ở Mỹ)” – ông Jan Hatzius nhận định./.
Kinh tế Đức dự báo cũng sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023
Goldman Sachs dự báo, tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ sẽ đạt mức 1% vào năm 2023 và 1,6% vào năm 2024. Đức – nền kinh tế lớn tiếp theo hoạt động kém nhất trong số các nền kinh tế lớn sau Nga và Anh – dự kiến sẽ tăng trưởng âm 0,6% trong năm nay, sau đó mới hồi phục ở mức dương 1,4% vào năm 2024.