Kinh tế ASEAN: Thành tựu và thách thức

Kể từ khi được thành lập năm 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận. Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, ASEAN được dự báo sẽ trở thành khối kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan (AEM-52), tối 28/8/2020 diễn ra Hội nghị trực tuyến lần thứ 8 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối trong khu vực Đông Á, bao gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Hoa Kỳ (EAS-EMM 8). Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan (AEM-52), tối 28/8/2020 diễn ra Hội nghị trực tuyến lần thứ 8 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối trong khu vực Đông Á, bao gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Hoa Kỳ (EAS-EMM 8). Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Thành tựu kinh tế

Nhìn lại lịch sử phát triển trong hơn 50 năm qua, không thể không điểm lại những thành tích kinh tế nổi bật của ASEAN với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 5% trong hai thập kỷ qua (2000 - 2020). Trong số các nước thành viên, Myanmar, Campuchia, CHDCND Lào và Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất, với các mức lần lượt là 9,3%, 7,2%, 6,8% và 6,4%. Trong cùng kỳ, tổng trao đổi thương mại hàng hóa trong ASEAN đã tăng gần 3,5 lần, đạt hơn 2.600 tỷ USD vào năm 2020.

Trong giai đoạn 2005 - 2020, dịch vụ là lĩnh vực dẫn đầu của kinh tế ASEAN với mức đóng góp của lĩnh vực trên vào GDP của khu vực này tăng từ 46,6% năm 2005 lên 50,6% năm 2020. Đối với các ngành khác, sản xuất đóng góp 35,8% GDP của ASEAN trong năm 2020, giảm so với mức 39,5% năm 2005. Mức đóng góp của nông nghiệp cũng giảm xuống 10,5% trong năm 2020 so với mức 12,9% năm 2005.

Sau hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát, các nền kinh tế Đông Nam Á đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng sản lượng kinh tế khu vực này năm 2021 đã tăng lên 2,9% và dự kiến đạt 4,9% trong năm 2022.

Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) 2022 diễn ra tại Bali, Indonesia vào tháng 5 dưới sự chủ trì Campuchia cũng bày tỏ lạc quan rằng khu vực Đông Nam Á sẽ quay trở lại thời kỳ trước đại dịch với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 4,9% trong năm nay và 5,2% vào năm 2023.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh chóng đang mang lại những cơ hội cũng như thách thức mới cho khu vực, trong đó, công nghệ kỹ thuật số và phát triển bền vững đang nổi lên như những động lực mới cho tăng trưởng tương lai của ASEAN.

Đáng chú ý, các vấn đề liên quan đến căng thẳng địa chính trị, sự gián đoạn trong các hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu, và biến đổi khí hậu nêu bật sự cấp thiết của khu vực trong việc tăng cường các nỗ lực xây dựng cộng đồng. Do đó, điều quan trọng là ASEAN cần tái khẳng định cam kết và quyết tâm hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vẫn phù hợp, cạnh tranh, bao trùm, bền vững, gắn kết và thích ứng trong thế giới hậu đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã chỉ ra tầm quan trọng của các thỏa thuận thương mại khu vực trong việc cung cấp nền tảng cho sự chuyển đổi cơ cấu của chuỗi giá trị toàn cầu trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Thách thức không nhỏ

Theo dữ liệu từ báo cáo Triển vọng Phát triển ASEAN, tổng quy mô kinh tế của các nước thành viên ASEAN trong năm 2019 là 3.200 tỷ USD, đưa ASEAN này trở thành khối kinh tế lớn thứ năm trên thế giới.

Tiềm năng kinh tế của ASEAN ảnh hưởng quan trọng đến hội nhập kinh tế của cả khối. Khi các quốc gia ngày càng hội nhập nhiều hơn và tăng cường hợp tác, năng suất kinh tế của ASEAN sẽ được nâng cao. Đây chính là lý do cho sự ra đời của AEC với mục đích thúc đẩy gắn kết và hội nhập kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng khả năng chống chịu trong ASEAN. AEC đặt mục tiêu thiết lập ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và là cơ sở sản xuất chủ chốt của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, theo tờ Jakarta Post, sau khi chính thức ra đời vào cuối năm 2015, AEC không có nhiều bước tiến lớn đáng chú ý kể từ đó. Tầm nhìn nhiều thập kỷ về tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn trong khu vực vẫn còn, song những trở ngại đối với việc thực hiện vẫn còn lớn, trong khi các khía cạnh hài hòa hóa gây tranh cãi đã bị trì hoãn.

Gần đây, trang mạng Policy Forum của Tổ chức chính sách châu Á - Thái Bình Dương cũng có bài viết cho rằng hội nhập kinh tế Đông Nam Á đang trì trệ và AEC đang nhường chỗ cho các khuôn khổ hợp tác khu vực tốt hơn.

Hợp tác nội khối của ASEAN hiện vẫn ở mức thấp so với các quan hệ đối tác khác trong khu vực, do thị trường của các nước thành viên ASEAN chưa phát triển bằng thị trường của các nước ngoài ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ hội bên ngoài khu vực có thể hấp dẫn hơn và dễ nắm bắt hơn. Do đó, việc thiết lập một thị trường duy nhất, một trong những mục tiêu sáng lập của AEC, là một thách thức.

Bên cạnh đó, những hồi chuông cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu cũng vang lên mạnh mẽ trong ASEAN. Một báo cáo gần đây của trường Đại học Công nghệ Nam Dương và Đại học Glasgow ước tính rằng ASEAN có thể mất hơn 35% GDP vào năm 2050, vì biến đổi khí hậu đe dọa các lĩnh vực then chốt như du lịch.

Để giải quyết vấn đề trên, một sáng kiến được đưa ra là để ASEAN theo đuổi nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, con đường thực hiện một nền kinh tế tuần hoàn toàn khu vực đầy rẫy chông gai. Theo các chuyên gia, trên thực tế, ASEAN có thể đưa ra các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn khi ASEAN cần một mô hình kinh tế mới để đối phó với những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Mô hình này sẽ tập trung tâm vào giảm thiểu lãng phí tài nguyên và thúc đẩy các hệ thống sản xuất hiệu quả.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã ban hành luật về tái chế, như Việt Nam, cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm lập pháp tốt nhất của mình với các nước láng giềng. Luật bảo vệ môi trường 2020 của Việt Nam đã thể chế hóa khái niệm nền kinh tế tuần hoàn. Điều quan trọng là mang lại cơ sở pháp lý cho việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, buộc nhà sản xuất và nhà nhập khẩu hàng hóa phải thu gom để tái chế sau sử dụng.

Trà My/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-asean-thanh-tuu-va-thach-thuc-20220805140711558.htm