Kinh tế ASEAN vẫn tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu
HNN - Bất chấp căng thẳng địa chính trị và thương mại, nền kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc.

Kinh tế khu vực vẫn duy trì tăng trưởng nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Ảnh minh họa: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị
Đây là dự báo được công bố tại cuộc họp báo của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 28 (AFMGM+3) vừa diễn ra tại Milan (Italy).
Theo tuyên bố chung của Hội nghị AFMGM+3 lần thứ 28, nền kinh tế khu vực đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2024, cụ thể là tăng 4,3% nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ, du lịch phục hồi và xuất khẩu hàng điện tử tăng.
Bên cạnh đó, lạm phát chung (headline inflation) đã giảm xuống mức trước đại dịch và lạm phát cơ bản cũng giảm. Điều này phản ánh chính sách tiền tệ “khỏe mạnh”, đồng thời thị trường tài chính vẫn ổn định mặc dù có biến động, được hỗ trợ bởi tỷ giá hối đoái linh hoạt và dự trữ lành mạnh.
Đối với nhóm ASEAN+3, trong tương lai, nhóm được dự đoán sẽ đóng góp hơn 40% vào tăng trưởng toàn cầu, với lạm phát chỉ dưới 2%. Tuy nhiên, triển vọng của nhóm ASEAN+3 vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn.
Dựa trên tuyên bố chung, cần nhận thức rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các rủi ro bên ngoài, chẳng hạn như điều kiện tài chính thắt chặt, tăng trưởng chậm lại ở các quốc gia đối tác chính và vấn đề về giảm đầu tư đang làm suy yếu thương mại toàn cầu và cản bước tiến trình hội nhập kinh tế của khu vực.
Trước tình hình này, lãnh đạo các nước tham gia hội nghị AFMGM+3 nhất trí phải thống nhất trong toàn khu vực để vượt qua bất ổn, ưu tiên khả năng phục hồi dài hạn và triển khai các chính sách linh hoạt. Hoạt động chính bao gồm tái xây dựng các vùng đệm tài khóa, điều chỉnh chính sách tiền tệ và tận dụng tăng trưởng đa dạng nhờ nhu cầu trong nước và thương mại nội vùng tăng.
Ngoài ra, tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại dựa trên luật lệ, ủng hộ tiến trình triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Cùng với đó là kêu gọi các tổ chức quốc tế ủng hộ chủ nghĩa đa phương, giám sát căng thẳng thương mại và hỗ trợ tư vấn chính sách. Ở cấp khu vực, mục tiêu là thúc đẩy thương mại nội khối, đảm bảo khả năng phục hồi tài chính và duy trì giao tiếp cởi mở trong bối cảnh những thách thức đang phát triển.
Tăng cường hợp tác tài chính khu vực cũng không nên nằm ngoài cuộc, trong đó cần thúc đẩy trao đổi chính sách tài khóa, định hướng chiến lược tiến trình tài chính ASEAN+3 và thúc đẩy kế hoạch tương lai của Thỏa thuận tài trợ khu vực (RFA): Công cụ điều chỉnh chính sách (PAI), Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), Sáng kiến tài trợ rủi ro thiên tai (DRFI) và các sáng kiến tương lai của ASEAN+3.