Kinh tế Bắc Ninh phát triển cơ bản theo đúng kịch bản tăng trưởng

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, GRDP quý I/2024 của tỉnh Bắc Ninh theo giá so sánh 2010 ước đạt 27.765 tỷ đồng, giảm 3,83% so với cùng kỳ, nhưng lại là mức giảm ít hơn các quý trước đó và cơ bản đúng theo diễn biến kịch bản tăng trưởng quý I/2024 của tỉnh này đã đề ra.

Tính chung tháng 4, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh có sự cải thiện đáng kể so với các tháng trước đó, xuất hiện nhiều điểm sáng.

Tính chung tháng 4, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh có sự cải thiện đáng kể so với các tháng trước đó, xuất hiện nhiều điểm sáng.

Kinh tế - xã hội quý I có xu hướng cải thiện

Thời gian qua, theo dữ liệu về kinh tế cho thấy, hệ thống chính trị của tỉnh Bắc Ninh đã rất nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực. Các cấp, các ngành đã nghiêm túc chấp hành, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh. Đồng thời có sự phối hợp kịp thời chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trong quý I có xu hướng cải thiện.

Đây cũng là tín hiệu tốt, tạo động lực mới, khí thế mới để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thúc đẩy công việc trong quý II và các quý tiếp theo, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và phát triển của năm 2024.

Theo Tổng cục Thống kê, GRDP quý I/2024 của tỉnh Bắc Ninh theo giá so sánh 2010 ước đạt 27.765 tỷ đồng, giảm 3,83% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm ít hơn các quý trước đó (quý I/2023 giảm -11,38%; quý II/202 giảm -13,01%; quý III/2023 giảm -5,89%; quý IV/2023 giảm -7,56%) và cơ bản đúng theo diễn biến kịch bản tăng trưởng quý I/2024 của tỉnh.

Xét 3 khu vực kinh tế là khu vực, công nghiệp - xây dựng (CN-XD) giảm khá (-6,81%) trong đó khu vực CN-XD chiếm tỉ trọng nhiều nhất thì giảm (-7,19%), đồng thời thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm giảm theo (-1,72%); khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản (+2,8%); khu vực dịch vụ (+4,12%).

Tính chung tháng 4, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh có sự cải thiện đáng kể so với các tháng trước đó, xuất hiện nhiều điểm sáng. Minh chứng là một số chỉ số phản ánh kinh tế trung, ngắn hạn tăng lên, có những chỉ số đạt mức tăng cao.

Về Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), tháng 4, giảm 4% so với tháng trước nhưng tăng 6,25% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp vẫn giảm so với cùng kỳ (-5,6%), đây là năm thứ hai liên tiếp IIP có mức giảm, tuy nhiên mức giảm của năm nay đã cải thiện thấp hơn năm trước (4 tháng 2023 giảm nhiều -18,47%).

IIP tháng 4 của tỉnh Bắc Ninh giảm, tuy nhiên mức giảm của năm nay đã cải thiện thấp hơn năm trước.

IIP tháng 4 của tỉnh Bắc Ninh giảm, tuy nhiên mức giảm của năm nay đã cải thiện thấp hơn năm trước.

Sự cải thiện trong chỉ số kinh tế của Bắc Ninh còn được thể hiện qua sự tăng đột biến số lượng doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 4 với 462 doanh nghiệp, tăng so với tháng trước là +161% và tăng khá so với cùng kỳ (+6,7%); tổng số vốn đăng ký bổ sung là 2.794 tỷ đồng. Mặc dù tăng so với tháng trước (+6,7%) nhưng lại giảm rất nhiều so với tháng cùng kỳ (-71,8%) đã kéo theo vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt được mức 6 tỷ đồng, giảm nhiều ở cả 2 gốc so sánh tháng trước và tháng cùng kỳ lần lượt là (-59,1%) và (-73,6%).

Tính chung 4 tháng, thành lập mới được 1.137 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 9.213 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng khá về số doanh nghiệp (+7,5%) tuy nhiên vẫn giảm rất nhiều về tổng vốn đăng ký (-42,7%), tương ứng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt thấp 8,1 tỷ đồng giảm rất nhiều (-46,7%).

Số dự án đăng ký và vốn đăng ký tăng đột biến

Đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số dự án đăng ký và vốn đăng ký tăng đột biến, tuy vậy số dự án tăng cao hơn so với vốn đăng ký điều này cho thấy quy mô của dự án đầu tư còn hạn chế.

Tình hình thu hút đầu tư trong nước, tính đến 20/4, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3.399,09 tỷ đồng; cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 38 dự án đầu tư, trong đó có 14 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng 1.336,5 tỷ đồng (11 dự án tăng vốn: 1.701 tỷ đồng; 03 dự án giảm vốn: 364,5 tỷ đồng). Lũy kế đến 20/4, đã cấp 1.567 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 263.696 tỷ đồng.

Theo đánh giá, bốn tháng đầu năm, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục tăng lên. Minh chứng là có thêm 157 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng đột biến (tăng 80 dự án, tức tăng 103,9%) so với cùng kỳ; trong đó các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc 97 dự án; Hồng Kông 21 dự án; Singapore 15 dự án và 550,7 triệu USD vốn đăng ký mới tăng rất nhiều (tăng 44,6 triệu USD, tức tăng 8,8%)

Vốn đầu tư công vẫn còn hạn chế

Mặc dù kinh tế có sự cải thiện nhưng vốn đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế, tháng 4, ước tính vốn đầu tư đạt 429,4 tỷ đồng, tăng nhiều ở cả 2 gốc so sánh tháng trước và cùng tháng năm trước lần lượt là (+29,1%) và (+11,8%).

Bốn tháng đầu năm 2024, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục tăng lên.

Bốn tháng đầu năm 2024, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục tăng lên.

Lũy kế 4 tháng, ước tính vốn đầu tư đạt 1.324,5 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách địa phương đến nay được 15,2% kế hoạch vốn của năm 2024.

Như vậy, trong tháng 4 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực qua phân tích đánh giá các chỉ tiêu phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, với tình hình thế giới hiện đang xuất hiện những diễn biến phức tạp mới cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của tỉnh.

Do đó, theo khuyến nghị từ Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh cần tiếp tục chủ động trong việc xây dựng kịp thời kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và Chỉ thị 01/CT-UBND tỉnh Bắc Ninh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong thời gian tiếp theo.

Theo đó, Chỉ thị cũng đã nêu ra dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trên địa bàn tỉnh năm 2024, từ đó chỉ ra các nhiệm vụ cần thực hiện để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội và chủ đề công tác năm 2024 là “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, triển khai các quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng kinh tế; xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” - Chỉ thị cũng chỉ ra 11 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2024.

Để thực hiện được 11 trọng tâm chỉ đạo trong điều hành, các Sở, ban, ngành, địa phương cần đưa ra các giải pháp kịp thời ứng phó, tập trung các giải pháp điều hành vào những chỉ số còn chưa tích cực. Tuy nhiên các giải pháp đưa ra cần đảm bảo tính khả thi nhằm hoàn thành đến mức cao nhất các mục tiêu của năm 2024 đã đề ra.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kinh-te-bac-ninh-phat-trien-co-ban-theo-dung-kich-ban-tang-truong-375294.html