Kinh tế châu Á thiệt hại hàng trăm tỉ USD vì hàng loạt trường học đóng cửa
Do việc đóng cửa trường học xảy ra trong đại dịch COVID-19, nền kinh tế tại một số quốc gia châu Á hiện nay có thể phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ USD.
Nền kinh tế châu Á thiệt hại hàng trăm tỉ USD do đóng cửa trường học
Theo Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, việc đóng cửa trường học xảy ra trong đại dịch COVID-19 có thể làm mất đi hơn 500 tỉ USD tiềm năng tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia châu Á. Đó là các quốc gia sau: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Từ năm 2021 đến năm 2035, các nền kinh tế Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có thể mất đi trung bình 0,3% và 0,8% GDP tiềm năng mỗi năm. Do việc đóng cửa trường học vì đại dịch COVID-19, những quốc gia trên có thể mất tổng GDP khoảng 511 tỉ USD.
Các trường học trên khắp thế giới buộc phải đóng cửa khi đại dịch COVID-19 xuất hiện hồi năm 2020 và học sinh phải chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến liên tục trong nhiều tháng.
Báo cáo của Công ty Oxford Economics lấy ví dụ các trường học ở Philippines đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trong khoảng 18 tháng, từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 3 năm 2022. Thời gian này lâu hơn so với các quốc gia khác được đề cập trong báo cáo.
Do đó, theo nghiên cứu của Oxford Economics, Philippines có thể chứng kiến mức thiệt hại cao nhất về GDP tiềm năng và các khoản đầu tư từ năm 2021 đến năm 2035.
Còn với thời gian đóng cửa các trường học hoàn toàn hoặc một phần ngắn nhất trong 5 quốc gia nêu trên, cụ thể là 10 tháng nên Thái Lan được dự kiến sẽ tổn thất ít nhất về GDP tiềm năng và các khoản đầu tư trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, Oxford Economics cảnh báo Thái Lan vốn có GDP thấp hơn và người dân có trình độ học vấn thấp hơn từ trước đại dịch COVID-19. Vì vậy, tác động của việc đóng cửa trường học có thể cao hơn.
Đóng cửa trường học dẫn đến giảm năng suất kinh tế dài hạn
Giải thích về lý do cho mức thiệt hại khổng lồ nêu trên, Oxford Economics cho rằng, nhiều học sinh, sinh viên đến từ các nền kinh tế đang phát triển là con cái trong các gia đình có thu nhập thấp, không có khả năng truy cập Internet, công nghệ thông tin hoặc không gian học tập thoải mái khi trường đóng cửa.
Những người này có nguy cơ bỏ học hoàn toàn, dẫn đến giảm năng suất kinh tế trong dài hạn do mức thu nhập thấp hơn và khả năng chi tiêu ít hơn.
"Vốn con người, thu nhập và sức khỏe thấp hơn có thể làm giảm tích lũy vốn con người của thế hệ tương lai, tạo ra một vòng luẩn quẩn cho nhiều thế hệ. Mức thiệt hại vốn con người từ năm 2021 đến năm 2035 ở 5 quốc gia trên ước tính là 240 tỉ USD", theo báo cáo của Oxford Economics.
Điều này dẫn đến hệ quả là các công ty tư nhân trong nước và quốc tế sẽ không đủ tự tin để đầu tư vào các quốc gia này. Do đó, tổng đầu tư cố định sẽ bị cắt giảm 181 tỉ USD trên 5 quốc gia từ năm 2021 đến năm 2035.
Ấn Độ dự kiến sẽ chứng kiến khoản lỗ đầu tư cao nhất với gần 100 tỉ USD trong cùng kỳ. Theo sau là Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.
Nhằm giải quyết thiệt hại do việc đóng cửa trường học gây ra lên kết quả học tập của học sinh phổ thông, bắt đầu từ tháng 7, Bộ Giáo dục Philippines đã tổ chức trại hè học tập, kéo dài từ 3-5 tuần trong kỳ nghỉ cuối năm học.
Trại hè học tập sẽ tập trung vào 2 hoạt động sau: Nâng cao và can thiệp cho học sinh lớp 7, 8; Khắc phục hậu quả cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12.
Quỹ hỗ trợ chương trình sẽ được phân bổ cho các văn phòng giáo dục địa phương dựa trên số lượng học sinh và giáo viên tham gia. Bộ Giáo dục Philippines khẳng định sẽ trả lương, tăng phúc lợi cho giáo viên giảng dạy trong các trại hè học tập để bảo đảm quyền lợi của giáo viên.
Nguồn: CNBC, Philstar