Kinh tế châu Á và những thách thức về nhân khẩu học
Theo trang mạng của Viện Lowy (Australia), các chủ thể kinh tế, văn hóa và mục tiêu của chính sách đối ngoại sẽ phát triển cùng với sự thay đổi nhân khẩu học của khu vực.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, đến năm 2050, cứ 4 người ở châu Á sẽ có một người trên 60 tuổi. Con số này tăng gấp ba lần so với năm 2010. Trung Quốc
, cường quốc kinh tế của khu vực, được cho là sẽ chứng kiến sự sụt giảm 220 triệu người trong độ tuổi lao động trong giai đoạn từ năm 2011-2050. Dân số Nhật Bản dự báo cũng sẽ giảm 16% vào năm 2050, trong đó số người cao tuổi sống một mình ước tăng 47%.
Sự thay đổi nhân khẩu học này có tác động sâu rộng, đòi hỏi sự quan tâm ngay lập tức của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Khi dân số già đi, các quốc gia sẽ phải đối mặt với những thách thức như chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên, lực lượng lao động giảm đi và khả năng trì trệ kinh tế. Những thách thức mà các nước phải đối mặt nói trên sẽ tác động đến các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, khả năng quân sự và động lực quyền lực trong khu vực.
Dân số già hóa chắc chắn sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế, có khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Trung Quốc, từ lâu đã được dự đoán sẽ vượt
Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể gặp trở ngại trên con đường phát triển do lực lượng lao động bị thu hẹp và chi phí phúc lợi xã hội tăng cao.
Chuyên gia Alicia Garcia Herrero, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel và cũng là nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, ước tính hiện tượng già hóa dân số của Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giảm 1,36% trong giai đoạn năm 2035-2050. Điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ còn 1% vào năm 2035.
Suy giảm kinh tế ở Trung Quốc có thể có tác động lan tỏa khắp khu vực và xa hơn nữa. Các quốc gia được hưởng lợi từ sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu hàng hóa ở Đông Nam Á và Liên minh châu Âu (EU), có thể cần đánh giá lại chiến lược tăng trưởng của mình.
Nhật Bản, quốc gia vốn đang phải vật lộn với những thách thức của một xã hội già hóa, cung cấp một cái nhìn thoáng qua về tương lai mà các quốc gia châu Á khác có thể phải đối mặt. Hiện tượng “nền dân chủ bạc” (silver democracy) ở nước này, nơi ảnh hưởng chính trị của các cử tri lớn tuổi đã dẫn đến các chính sách ưu tiên người già hơn là thế hệ trẻ, có thể xảy ra ở những nước khác. Căng thẳng giữa các thế hệ có thể định hình nền chính trị trong nước và do đó, định hình các ưu tiên chính sách đối ngoại trên toàn khu vực.
Ở Hàn Quốc, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng đòi hỏi chính phủ phải đánh giá lại các thỏa thuận an ninh lâu đời. Trong bối cảnh số lượng nam thanh niên sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc ngày càng giảm, Hàn Quốc cần phải tìm ra các chiến lược phòng thủ thay thế hoặc phụ thuộc nhiều hơn vào các giải pháp công nghệ.
Những thách thức về nhân khẩu học mà châu Á đang phải đối mặt không đồng đều. Trong khi dân số của các nước Đông Á đang già đi nhanh chóng, một số khu vực ở Nam và Đông Nam Á vẫn có dân số tương đối trẻ. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, có độ tuổi trung bình chỉ 28. Dân số trẻ của Ấn Độ có thể giúp định vị nước này là một thế lực cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực vì họ có thể sử dụng hiệu quả lực lượng lao động của mình.
Sự khác biệt về nhân khẩu học theo độ tuổi trên khắp châu Á có thể dẫn đến sự gia tăng dòng di cư khi các quốc gia có dân số già đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động. Ví dụ, Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng các chính sách nhập cư nghiêm ngặt truyền thống của mình để thu hút lao động nước ngoài. Những mô hình di cư này, do nhân khẩu học thúc đẩy, có thể định hình lại cảnh quan văn hóa và tạo ra nguồn cơn căng thẳng hoặc hợp tác mới trong khu vực.
Ngoài những tác động về kinh tế và an ninh, sự già đi của châu Á còn có những tác động đáng kể đến sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa. Các quốc gia có dân số trẻ hơn có thể có vị thế tốt hơn để thúc đẩy đổi mới công nghệ và thiết lập các xu hướng văn hóa. Ví dụ, mức độ phổ biến trên toàn thế giới của văn hóa đại chúng Hàn Quốc, hay còn gọi là “Hallyu”, có thể suy giảm khi dân số nước này già đi, có khả năng làm dịch chuyển trung tâm ảnh hưởng văn hóa ở châu Á.
Sự giao thoa giữa nhân khẩu học và địa chính trị ở châu Á cũng tạo tác động toàn cầu. Khi trung tâm quyền lực kinh tế toàn cầu tiếp tục di chuyển về phía Đông, cách châu Á điều hướng những thách thức về nhân khẩu học sẽ gây ra hậu quả sâu rộng. Đặc biệt, Mỹ sẽ cần phải đánh giá lại cách tiếp cận chiến lược đối với khu vực, không chỉ xem xét các động lực quyền lực hiện tại mà còn cả xu hướng nhân khẩu học dài hạn.
Biến đổi khí hậu tạo thêm độ phức tạp cho hiện tượng thay đổi nhân khẩu học này. Khi thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn, những người lớn tuổi có thể đặc biệt dễ bị tổn thương hơn. Điều này có thể làm tăng nhu cầu về các biện pháp thích ứng với khí hậu và có khả năng dẫn đến các mô hình di cư mới trong và ngoài châu Á.
Những lựa chọn chính sách được đưa ra hôm nay sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình cách các quốc gia thích ứng với những thay đổi này trong tương lai. Đầu tư vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đổi mới công nghệ có thể giúp giảm thiểu một số thách thức do dân số già hóa đặt ra. Điều quan trọng không kém là cần thúc đẩy sự thích ứng văn hóa và xã hội để hỗ trợ những người lao động lớn tuổi và thúc đẩy tình đoàn kết giữa các thế hệ.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-chau-a-va-nhung-thach-thuc-ve-nhan-khau-hoc/345194.html