Kinh tế chia sẻ đặt ra thách thức về hành lang pháp lý
Loại hình kinh tế mới này rất cần một hành lang pháp lý để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động.
Những lợi ích mà nền kinh tế chia sẻ mang lại đang được xã hội đón nhận mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không có gì ngăn chặn được xu hướng này. Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ mới xuất hiện một vài năm gần đây, người dân và doanh nghiệp (DN) đang có nhiều cơ hội để thu lợi nhuận, hưởng lợi từ xu hướng phát triển của nền kinh tế chia sẻ.
Vẫn có ít tư duy chia sẻ
Dẫn chứng số liệu khảo sát của Grant Thomton, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, nếu như năm 2016, dịch vụ AIR B&B (chia sẻ phòng lưu trú) chỉ có 6.500 căn hộ thì đến năm 2017, nguồn cung đã tăng lên 16.000 căn, gấp 2,5 lần, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Mô hình này kéo theo hàng loạt các start up cho dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như: Luxstay, Homestay…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phú cũng cảnh báo, hiện nay, tại Việt Nam, chưa có nhiều người có tư duy chia sẻ, vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ nhiều hơn, chưa vì lợi ích lâu dài.
“Các DN chưa được trang bị kiến thức cơ bản về nền kinh tế đặc thù để nhận thức một cách tự giác theo tư duy tiên tiến. Nếu xuất phát từ tính cấu kết cộng đồng yếu và kỷ luật thị trường kém bền vững, sẽ làm cho sự phát triển kinh tế chia sẻ của Việt Nam khó phát triển nhanh và bền vững”, ông Phú cho hay.
Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Vinh Phú cho biết, hàng chục năm nay, trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối tiêu thụ, việc chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn nhiều bất hợp lý, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm. Người sản xuất làm ra của cải vật chất hầu hết được thụ hưởng một tỷ trọng lợi nhuận nhỏ và thiệt thòi, nhóm trung gian thương lái xuất khẩu và bán lẻ hưởng phần lớn những lợi nhuận trong chuỗi giá trị.
“Có một điều mà ở Thái Lan, Hàn Quốc và một số nước khác lại đang làm ngược lại Việt Nam. Ví dụ ở Thái Lan, người trồng mía được hưởng 70% lợi nhuận sau thuế, còn các khâu lưu thông phân phối, xuất khẩu hưởng 30%. Còn ở Việt Nam lại đang phân phối ngược lại theo tỷ lệ 30% cho người sản xuất nông nghiệp, khoảng 70% thuộc về khâu phân phối lưu thông bán lẻ và xuất khẩu trên thị trường. Người sản xuất vừa thiếu thông tin thị trường, vừa hay bị ép cấp, ép giá, thua thiệt đủ bề mà chưa có giải pháp nào tháo gỡ được…”, ông Phú nói.
Theo ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ VietinBank, điểm chính yếu của kinh tế chia sẻ là sự thay thế quyền lực độc tôn của người chủ DN kinh doanh sang thành quyền lực phân bổ hài hòa giữa các nhóm vận hành, nhóm sở hữu nguồn lực sản xuất, nhóm lao động kỹ năng, nhóm nắm giữ mạng lưới phân phối và khách hàng… trong cùng một mô hình kinh doanh.
“Giờ đây, cái ô bao trùm cho hoạt động kinh doanh không còn là DN, thay vào đó là nền tảng kinh doanh. Không còn một ai độc tôn quyền lực ra lệnh cho các nhóm quyền lực còn lại. Đó là điểm nổi bật của kinh tế chia sẻ”, ông Khổng Phan Đức nói.
Cần xây dựng hành lang pháp lý
Mặc dù chưa phát triển mạnh mẽ như ở các nước trên thế giới, song kinh tế chia sẻ ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với loại hình kinh tê mới này, giới chuyên gia cho rằng, rất cần một hành lang pháp lý để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các DN hoạt động.
Theo ông Khổng Phan Đức, mặc dù các hoạt động dựa trên nền kinh tế chia sẻ vẫn đang tiếp tục phải chống chọi lại những rào cản pháp luật khắt khe, nhằm bảo vệ kinh tế truyền thống, nhưng một khi các nền tảng kinh tế chia sẻ đã phủ sóng quá rộng, trở nên quá quen thuộc với giá trị đem lại cho xã hội, người tiêu dùng một cách rõ ràng, việc ép buộc các nền tảng này phải đi đến đóng cửa như trước kia là điều không thể.
Bởi lẽ, bên cạnh những điểm lợi thế, về mặt quản lý nhà nước, các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ lại không có một quy định chung mà chỉ là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực.
Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc, dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do một số hoạt động vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Luật Công nghệ thông tin cũng chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Thực tế này đã đẩy một số DN và các nhà phát triển loại hình kinh doanh mới rơi vào tình thế khó khăn khi muốn triển khai ở Việt Nam. Trong khi các quy định hiện hành không đủ để điều chỉnh các phương thức kinh doanh mới, nhưng thời gian để ban hành các quy định pháp luật tương ứng lại rất dài. Nếu cứ để các DN tục hoạt động mà không có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế, môi trường kinh doanh gặp rào cản và người tiêu dùng không được bảo vệ…
“Chính bởi vậy, việc xây dựng ngay một khung pháp lý rõ ràng về nền tảng kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ, tài chính chia sẻ là rất cần thiết. Trong đó phân tách rõ đơn vị quản lý ở cấp Chính phủ đối với từng hoạt động cụ thể, thay vì tập trung xây dựng pháp luật quản trị từng DN”, ông Khổng Phan Đức chỉ rõ./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-chia-se-dat-ra-thach-thuc-ve-hanh-lang-phap-ly-822834.vov