Kinh tế chuyển biến tích cực dù vẫn còn không ít khó khăn

So với cùng kỳ năm trước, ước tính GDP quý II/2023 tăng 4,14%, cao hơn mức tăng 3,28% của số liệu sơ bộ quý I/2023. Một số ý kiến cho rằng, mức tăng trưởng này là lạc quan so với thực tế. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

PV: Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, mức tăng trưởng quý II/2023 là 4,14%. Có ý kiến cho rằng, mức tăng trưởng này là hơi lạc quan so với thực tế. Bà có bình luận gì về điều này?

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh: Tổng cục Thống kê ước tính số liệu GDP quý II và 6 tháng năm 2023 dựa vào nguồn thông tin, dữ liệu của các cuộc điều tra chọn mẫu hàng tháng, quý của các ngành, lĩnh vực; từ dữ liệu hành chính của các bộ, ngành, địa phương và số liệu, báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty. Dữ liệu vi mô đã cho thấy nhiều ngành, lĩnh vực trong quý II đã tốt lên so với quý I/2023.

Theo quý, tăng trưởng GDP quý II/2023 đạt 4,14% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,86 điểm phần trăm so với quý I. Trong đó, khu vực công nghiệp đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I (âm 0,75%), đạt mức tăng 1,56%.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 1,18% (quý I tăng trưởng âm 0,49%). Ngành xây dựng cũng tăng mạnh với mức tăng 7,05%, cao hơn mức tăng 4,94% của cùng kỳ năm trước. Điểm sáng nhất vẫn là khu vực dịch vụ với mức tăng 6,11%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng trưởng khá tốt đạt 3,25% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất khẩu quý II giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 2,9% so với quý I. Đặc biệt, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tuy giảm ở cả hai quý nhưng mức độ giảm ở quý II đã thấp hơn trong quý I.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng quý II còn thấp, chỉ đạt 3,13% cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nhưng đã cải thiện hơn so với quý I (2,06%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý II/2023 cũng được cải thiện hơn khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở quý II tăng 23% so với quý I. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm từ bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn trong quý I xuống còn 13,2 nghìn doanh nghiệp trong quý II. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã tăng lên.

Như vậy, tình hình kinh tế nước ta đang dần được cải thiện, biểu hiện qua nhiều chỉ tiêu đã tích cực hơn so với quý I.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi so sánh tốc độ tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu liên quan giữa các quý trong cùng năm sẽ không có ý nghĩa khi các chỉ tiêu chưa được loại trừ yếu tố mùa vụ. Để đánh giá, so sánh mức độ tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực thường được so với cùng kỳ năm trước để loại bỏ yếu tố mùa vụ.

PV: Cũng có ý kiến băn khoăn về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù xấu đi rất nhiều nhưng quý II/2023 lại tăng trưởng dương và cao hơn quý I/2023. Xin bà phân tích, làm rõ hơn về nội dung này?

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh: Trong giai đoạn 2011-2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đóng vai trò trụ đỡ, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trung bình khoảng 8,9%.

Do khó khăn từ kinh tế thế giới, đơn hàng xuất khẩu năm 2023 giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sang quý II, ngành công nghiệp có những chuyển biến tích cực hơn so với quý I, tuy nhiên tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II chỉ tăng nhẹ 0,2%, song xu hướng tích cực của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo quý II so với quý I thể hiện qua một số kết quả sau:

Một là, có 15/24 ngành công nghiệp cấp II thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất quý II/2023 có xu hướng tốt hơn quý I/2023, đặc biệt một số ngành có thế mạnh về xuất khẩu như: ngành dệt, chỉ số sản xuất quý II tăng 2,9% (quý I giảm 7,4%) so với cùng kỳ 2022; ngành sản xuất trang phục vẫn giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn, chỉ số sản suất quý II giảm 4,4% (quý I giảm 9,3%); ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, chỉ số sản xuất quý II giảm 1,9% (quý I giảm 3,1%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, chỉ số sản xuất quý II giảm 3,5% (quý I giảm 5,4%)…

Thêm vào đó, ngành điện đã phản ánh rõ nét xu hướng sản xuất tích cực hơn của quý II khi chỉ số sản xuất so với cùng kỳ đạt mức tăng 4,1% trong khi quý I giảm 1,1%.

Hai là, số doanh nghiệp thực tế tham gia thị trường tăng mạnh ở quý II với bình quân một tháng có hơn 5,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong khi quý I giảm 1,1 nghìn doanh nghiệp.

Ba là, trong quý II, xuất khẩu một số mặt hàng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực cũng có xu hướng tốt lên so với quý I: Gỗ và sản phẩm gỗ quý II/2023 tăng 13,6% so quý I/2023. Hàng dệt, may tăng 19,6%. Giày dép tăng 31%. Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,5%. Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 12,8%.

Bốn là, chỉ số tiêu thụ và tỷ lệ tồn ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng được cải thiện hơn trong quý II/2023: Chỉ số tiêu thụ quý I/2023 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ nhưng 6 tháng chỉ giảm 2,2%; tỷ lệ tồn kho tại thời điểm 31/3/2023 là 81% nhưng tại thời điểm 30/6/2022 là 83,1%.

Cuối cùng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn trong quý II/2023 với dự báo về hàng tồn kho giảm, đơn đặt hàng mới tăng…

PV: Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, tiếp tục là động lực tăng trưởng trong các tháng cuối năm, theo bà cần có những giải pháp gì?

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh: Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, có nhiều giải pháp cần thực hiện để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đó là cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng; điều hành tỷ giá phù hợp, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng…

Về phía cầu, cần đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung…

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Đảm bảo nguồn điện ổn định, đáp ứng sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng trong mùa cao điểm.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

PV: Xin cảm ơn bà!

Sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn

Kết quả khảo sát nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy, có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023. 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Kết quả này tích cực hơn so với khảo sát quý I/2023 khi có lần lượt là 24,3% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn quý trước; 37,2% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai, sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2023 chắn chắn khởi sắc hơn 6 tháng đầu năm.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-chuyen-bien-tich-cuc-du-van-con-khong-it-kho-khan-131515.html