Kinh tế Công nghiệp - TTCN Đầu tư vẫn tăng trưởng

TTH - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7 tháng đầu năm tăng 8,1% so với cùng kỳ là dấu hiệu đáng ghi nhận trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp trọng điểm như Chân Mây - Lăng Cô. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Vốn đầu tư doanh nghiệp tăng

Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng và quản lý xây dựng. Việc các địa phương hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội khiến nguồn lao động phục vụ cho các dự án (DA) bị thiếu hụt, nhiều công trình xây dựng có công nhân, lao động thuộc diện F1, F2 phải thực hiện cách ly, làm thiếu nguồn nhân lực trong triển khai xây dựng kế hoạch, năng suất lao động thấp, phát sinh chi phí và làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Các DA của các nhà đầu tư nước ngoài hay ngoại tỉnh chịu tác động không nhỏ của việc giãn cách xã hội, ảnh hưởng công tác chỉ đạo điều hành cũng như điều động nhân sự triển khai DA. Ngoài ra, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí, tiến độ, tăng rủi ro cho các DA. Cùng với khó khăn của dịch bệnh, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) trong những tháng đầu năm cũng giảm 9,2% duy trì ở mức 3.185 tỷ đồng; vốn viện trợ nước ngoài giảm 62,2%.

Đầu tư công tạo động lực để tăng trưởng

Đầu tư công tạo động lực để tăng trưởng

Dịch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm giữ ở mức thấp chỉ đạt 33% kế hoạch. Trong đó, vốn do ngân sách tỉnh quản lý giải ngân ở mức 27% (vốn địa phương 35%; vốn trung ương 22%; vốn ODA 11%); vốn do cấp huyện, xã đã giải ngân 50%.

Nguồn vốn đầu tư NSNN chủ yếu tập trung vào các DA chuyển tiếp. Trong đó, vốn NSNN tiếp tục đầu tư vào những DA trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện TW Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới; Trung tâm Phục hồi chức năng Đoàn 41 Huế;… Các DA thi công trọng điểm quốc gia BT và BOT như: La Sơn - Túy Loan; Hầm Hải Vân giai đoạn II… cũng được đẩy nhanh tiến độ.

Khó khăn là vậy song trong 7 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn đạt 14.628 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng tăng với mức 2.240 tỷ đồng, tăng 33,3%; vốn đầu tư của dân đạt 1.920 tỷ đồng, tăng 26,3% ; vốn tín dụng đạt 5.559 tỷ đồng, tăng 3,8%; vốn đầu tư nước ngoài 1.370 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần.

Nguồn vốn doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào các DA gấp rút hoàn thiện để đưa vào hoạt động như DA xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica), Nhà máy thủy điện Thượng Nhật... Bên cạnh đó, một số DA thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các DA đầu tư trong khu công nghiệp cũng thực hiện đúng tiến độ.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các DA được bố trí vốn năm 2021 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Với các DA chuyển tiếp, phấn đấu đến 15/12/2021 phải giải ngân 100% kế hoạch; các DA khởi công mới, đến ngày 30/9/2021 phải giải ngân trên 60% kế hoạch và đến 31/12/2021 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2021. Để thực hiện được mục tiêu trên, việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, DA khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ giải ngân được xem là giải pháp căn cơ.

Các dự án hạ tầng sẽ được ưu tiên đầu tư

Các dự án hạ tầng sẽ được ưu tiên đầu tư

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai các chương trình, DA trọng điểm: bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế; DA cải thiện môi trường nước thành phố Huế; đường Chợ Mai – Tân Mỹ, đường Phú Mỹ - Thuận An... Tập trung khởi công mới các DA: đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa); đường nối khu phi thuế quan với khu cảng Chân Mây... Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An.

Các thủ tục chuẩn bị đầu tư cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương và đường Vành đai 3, đường Tố Hữu nối dài đi Sân bay Phú Bài, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đại học Huế... cũng được triển khai để thực hiện các DA đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025.

Với các DA ngoài ngân sách, đại diện Sở KH&ĐT khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các DA đã được cấp chủ trương đầu tư, tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư có DA khởi công vào năm 2021. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các DA hoàn thành chính thức đi vào hoạt động trong năm để tạo động lực tăng trưởng mới trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Sở KH&ĐT cũng xúc tiến hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cấp quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư một số DA như: khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu; Trung tâm Thương mại dịch vụ Khu A - Khu đô thị mới An Vân Dương; Thành phố Giáo dục Quốc tế Huế tại Khu E – Khu đô thị mới An Vân Dương; Tổ hợp nhà ở, kinh doanh kết hợp trung tâm thương mại, du lịch dịch vụ và vui chơi giải trí tỉnh Thừa Thiên Huế (Chợ du lịch)… Tăng cường xúc tiến đầu tư theo danh mục DA vào địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là các DA đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN tạo động lực trong thu hút đầu tư.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dau-tu-van-tang-truong-a103994.html