Kinh tế đang phục hồi theo hình chữ V
'Từ mức giảm 6,02% trong quý III, GDP quý IV năm 2021 tăng 5,22%. Điều đó cho thấy sức bật của nền kinh tế rất tốt', Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương khẳng định.
Tại tọa đàm “Nhìn lại 2021- Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 4/1, khi được hỏi về kết quả tăng trưởng năm 2021, Thứ trưởng Bộ KHĐT lấy ví dụ về một trận đấu bóng đá.
Ông Trần Quốc Phương cho rằng nếu cứ thắng 1-0 thì cảm xúc của người hâm mộ sẽ bình thường. Tuy nhiên nếu gặp đối thủ nặng ký, ta bị dẫn trước 2 bàn mà vẫn gỡ hòa và thắng ngược lại thì cảm xúc còn lớn hơn rất nhiều.
Các khách mời là đại diện Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế cùng quan điểm rằng sự đảo chiều của nền kinh tế trong năm 2021 là kết quả của những chuyển hướng “không thể sớm và cũng không thể muộn hơn” trong phòng chống dịch. Và ở đây, Nghị quyết 128 của Chính phủ là giải pháp cụ thể và rõ ràng nhất.
Nhìn lại năm 2021, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương đánh giá bằng cụm từ “khó khăn và thách thức hơn năm 2020 rất nhiều”.
Xoay chuyển cục diện chống dịch và tăng trưởng kinh tế
Ông Phương lý giải qua việc rà soát các chỉ số tăng trưởng, có thể khẳng định nền kinh tế đang phục hồi đúng theo đồ thị hình chữ V. Từ mức giảm 6,02% trong quý III, GDP đã tăng trở lại 5,22%, cho thấy sức bật của nền kinh tế rất tốt.
Trong bối cảnh đó, nông nghiệp được coi là trụ đỡ. Trong thời điểm dịch bùng phát, nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng hợp lý, tạo sức chống đỡ cho nền kinh tế.
Về công nghiệp, đây được coi là lĩnh vực chủ chốt của tăng trưởng. Đợt dịch bùng phát hồi đầu năm ảnh hưởng một phần tới các trung tâm công nghiệp miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Tuy nhiên, tới đợt dịch thứ tư, vùng công nghiệp trọng tâm nhất của cả nước bị xâm nhập, làm GDP quý III giảm sâu.
Khối ngành dịch vụ được đánh giá là chịu tác động sâu nhất và lâu nhất của dịch bệnh.
Đánh giá về Nghị quyết 128, ông Trần Quốc Phương cho rằng đây là chính sách có ý nghĩa lớn, xoay chuyển cả cục diện về chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, Nghị quyết cũng đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người dân sau một thời gian dài chống dịch khốc liệt.
Trước câu hỏi về thời điểm ban hành Nghị quyết 128, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định đây là thời điểm “không thể sớm và cũng không thể muộn hơn” do phụ thuộc vào mức độ bao phủ của vaccine.
“Thời điểm ban hành Nghị quyết 128, lượng tiêm vaccine cơ bản đáp ứng yêu cầu chống dịch. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên đợi chờ quá lâu bởi như vậy sẽ chậm trễ”, ông Phương nói..
Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, việc ban hành Nghị quyết 128 là xu hướng phù hợp. Phần lớn các quốc gia đều chuyển hướng từ Zero Covid sang sống chung và thích ứng an toàn. “Tuy nhiên điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine 60-70%.”, ông Vũ nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo việc chuyển trạng thái chống dịch sang Nghị quyết 128 có thể có rủi ro nhất định, số ca nhiễm có thể tăng. Do vậy ông cho rằng cần mở cửa từng bước, không nóng vội, vừa làm vừa tinh chỉnh với tình hình thực tế.
Quyết định cân não
Tại tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - khẳng định chúng ta đi qua một cuộc chiến, số F0 hiện nay có tăng nhưng chắc chắn dịch bệnh đã được khống chế. Không còn chuyện cơ sở y tế quá tải hay người dân hoảng loạn, kinh tế và giao lưu hàng hóa đã tăng trưởng và trở lại mức bình thường.
Nhìn lại chặng đường chống dịch năm qua, Trung tướng Ngô Minh Tiến - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho biết khi đó biến chủng Delta đã lây lan và ngấm sâu trong cộng đồng, số ca tử vong tăng nhanh đã gây quá sức đối với các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM. “Khi đó, các địa phương đã kiến nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực y tế”, ông Tiến nói.
Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng nhận định đề nghị của các địa phương khiến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải cân nhắc rất kỹ. “Quyết định cân não” là từ được ông dùng để miêu tả ở thời điểm này.
Vị trung tướng phân tích việc đề nghị của các địa phương không phải không có cơ sở. Thứ nhất, tình hình thời điểm đó nếu tiếp tục tăng cường các biện pháp của Chỉ thị 16 sẽ khó khăn do dân số đông, đặc biệt là TP.HCM với hơn 10 triệu người, không thể có lực lượng nào có thể đảm bảo giãn cách tuyệt đối.
Thứ hai, rất khó có thể đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhu yếu phẩm cho toàn bộ người dân. Hệ thống y tế lúc này cũng đạt tới ngưỡng chịu đựng.
Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã không chọn phương án ban bố tình trạng khẩn cấp mà quyết định dùng lực lượng có lựa chọn là y tế, quân đội, công an để tri viện cho các tình phía Nam.
“Đây là một điều chưa từng có tiền lệ từ khi kết thúc chiến tranh đến nay. Sau 3 tháng, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh trong khi các nước có tiềm lực hơn phải mất 8-9 tháng”, trung tướng Ngô Minh Tiến nói.
Không còn chuyện cơ sở y tế quá tải hay người dân hoảng loạn, kinh tế và giao lưu hàng hóa đã tăng trưởng và trở lại mức bình thường
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Có một số ý kiến băn khoăn về thời điểm biến chủng Delta bùng phát, ngành y tế vẫn còn một số biện pháp cứng nhắc như dồn F0 và F1 vào các khu cách ly tập trung, gây quá tải hệ thống.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định dịch Covid-19 xuất hiện là một bệnh truyền nhiễm mới nổi. Ngành y tế vừa nghiên cứu vừa đưa ra biện pháp phù hợp, hiệu quả. Mỗi giai đoạn sẽ đưa ra giải pháp phù hợp với từng địa phương ở từng thời điểm.
Ông cho biết từ việc đưa ra giải pháp theo khuyến cáo WHO, khi xuất hiện F0, F1 thì đưa đi điều trị và cách ly đối với biến chúng cũ là Alpha, Gamma, tới Delta với biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh, ngành y tế đã nghiên cứu, đưa ra biện pháp phân loại, góp phần giảm bệnh nhân từ nhẹ sang nặng.
Công tác điều trị thay đổi sang mô hình tháp 3 tầng, đã huy động toàn hệ thống y, bác sĩ, thiết lập trạm y tế lưu động, cơ sở, cả công lập và tư nhân.
Trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết theo WHO khuyến cáo thì dịch bệnh chưa thể kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ từ biến chủng mới luôn đe dọa. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là Việt Nam đã phủ vaccine được 99% mũi 1 và trên 90% mũi 2 cho người trên 18 tuổi.
Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng, mang lại hiệu quả tích cực cho công tác chống dịch và phát triển kinh tế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-dang-phuc-hoi-theo-hinh-chu-v-post1287548.html