Kinh tế Đề phòng thời tiết cực đoan

TTH - Giai đoạn giao mùa thường xuất hiện thời tiết cực đoan. Người dân cần trang bị kỹ năng phòng, tránh để chủ động sinh hoạt, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Hàng năm, vào giai đoạn tháng 3-5, thời điểm giao mùa, thường xuất hiện giông sét, gió lốc, mưa đá… vào buổi chiều hoặc kết thúc những đợt nắng nóng. Nông dân làm việc trên đồng cũng là một trong những đối tượng dễ “tổn thương” do thời tiết cực đoan.

Mới đây, tại huyện miền núi A Lưới đã ghi nhận liên tiếp 2 đợt mưa đá, nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản. Theo đó, chiều ngày 26/3, Trạm Khí tượng A Lưới ghi nhận trên địa bàn xảy ra 2 đợt mưa đá tập trung tại khu vực Bốt Đỏ, thị trấn A Lưới và xã Đông Sơn.

Cụ thể, đợt mưa đá thứ nhất xảy ra trong vòng 7 phút từ 14 giờ 50 phút đến 14 giờ 57 phút và đợt thứ 2 xảy ra trong vòng 4 phút từ 15 giờ 2 phút đến 15 giờ 6 phút. Kích thước lớn nhất của hạt mưa đá là 23mm, kích thước nhỏ nhất 5mm. Trọng lượng trung bình hạt mưa đá 0,6 gram. Đi kèm mưa đá là gió giật mạnh nhất là 15m/s, gió trung bình 10m/s.

Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (A Lưới) cho biết, ngay sau khi xảy ra hiện tượng mưa đá, thời tiết ổn định, địa phương đã cử cán độ đi kiểm tra tình hình thiệt hại. Hiện nay, đối với cây lúa chưa làm đòng nên ít ảnh hưởng, nhưng cây bắp đang trổ cờ (khoảng 20ha) nguy cơ ảnh hưởng cao bởi thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay.

Hàng năm, ở các địa phương đều xảy ra hiện tượng giông sét, gây thương vong cho người dân khi làm việc trên đồng ruộng hoặc đang trên đường về nhà. Do vậy, cần trang bị kỹ năng để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, giai đoạn giao mùa thường xuất hiện thời tiết cực đoan, nhất là thời gian từ sau 13 giờ chiều đến 19 giờ hàng ngày và sau những ngày nóng bức. Do vậy, người dân cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cập nhật thông tin, chủ động phòng tránh giông sét, gió giật mạnh nhằm có kế hoạch sản xuất, sinh hoạt phù hợp. Đồng thời, chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương…

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng khí tượng cực đoan gây ra cùng với sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, người dân cần chủ động phòng, tránh và lưu ý một số kỹ năng ứng phó với thiên tai, mưa giông, lốc, sét.

Hàng ngày, sau khi nhận được các bản tin cảnh báo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, đơn vị đã chuyển tiếp thông tin cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương để chủ động thông tin kịp thời cho người dân trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai như giông lốc, sét. Đồng thời, yêu cầu các địa phương sử dụng hệ thống loa truyền thanh cơ sở để truyền tải các bản tin dự báo, cảnh báo giông, lốc, sét, hướng dẫn kiến thức, trang bị kỹ năng phòng, chống giông, sét đến với người dân trên địa bàn.

HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/de-phong-thoi-tiet-cuc-doan-a111252.html