Kinh tế đêm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội
Theo các chuyên gia, việc tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện, là 'Thành phố sáng tạo', 'Thành phố vì hòa bình'.
Kinh tế đêm được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18h cho đến 6h hôm sau gồm các hoạt động như: Văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, du lịch đêm (hoạt động tham quan ở các địa điểm tập trung khách du lịch), dịch vụ ẩm thực ban đêm (nhà hàng, quán bar...) và các hoạt động mua sắm (chợ đêm, khu mua sắm, trung tâm thương mại…).
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh hình thức kinh tế mới mẻ này. Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm của Anh đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ Bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Kinh tế đêm đã trở thành biểu tượng sức sống của các đô thị hàng đầu như London, New York…
Lợi thế của mô hình kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch thông qua các dịch vụ mua sắm tiêu dùng siêu tiện lợi, các hoạt động văn hóa, giải trí, tạo điểm nhấn, màu sắc đặc trưng cho từng địa phương. Tại Việt Nam, Đà Nẵng với những lễ hội pháo hoa, TP Hồ Chí Minh với dịch vụ về đêm phát triển mạnh trên phố Bùi Viện…
Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Hà Nội được chọn là một trong những địa phương triển khai thí điểm.
Thực tế, hoạt động kinh tế về đêm ở Hà Nội hiện đang ở giai đoạn đầu hình thành nhưng đã tỏ rõ hiệu quả kinh tế và sức cuốn hút đối với khách du lịch. Những tuyến phố đêm đặc trưng như Tạ Hiện, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tuyến phố đi bộ - ẩm thực tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), không gian ẩm thực và văn hóa phố Trịnh Công Sơn, tour du lịch đêm giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour đêm lại di tích nhà tù Hỏa Lò... đang chứng tỏ hiệu quả thu hút khách quốc tế.
Với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, khách du lịch được thưởng thức các điệu múa cung đình, được “thị vệ” và “cung nữ” do các bạn trẻ nhập vai hướng dẫn khám phá Hoàng thành Thăng Long. Du khách có những trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các hiện vật, hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, được tham gia hoạt động “giải mã” các câu đố về Hoàng thành Thăng Long... Hoạt động vào tối thứ 6, 7 hằng tuần, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” thu hút trung bình khoảng 130 khách/tối.
Theo các chuyên gia, việc phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội còn có thể tính đến tổ chức những sự kiện văn hóa mang tầm quy mô khu vực và quốc tế. Ví như, lễ hội âm nhạc Gió mùa được tổ chức chuyên nghiệp, nay đã trở thành thương hiệu của Hà Nội mỗi dịp tháng 10, quy tụ đông đảo các nhà chuyên môn, nghệ sĩ từ các quốc gia trên thế giới.
Việc tổ chức sự kiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, du lịch như mời các ban nhạc nổi tiếng biểu diễn hay các lễ hội, festival quốc tế… cũng sẽ tạo thành điểm hẹn về sân chơi sáng tạo, văn hóa.
Lấy ví dụ từ sự kiện Photo Hanoi'23 vừa qua, ông Thierry Vergon - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội hy vọng, Hà Nội sẽ trở thành một TP lớn về triển lãm và những câu chuyện nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia, giám tuyển, các nhà sưu tập, tất cả hệ sinh thái này sẽ hội tụ hai năm một lần tại Hà Nội, đồng thời đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội.
Việc tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện, là “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố vì hòa bình”.
Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu…