Kinh tế đô thị đang đóng góp khoảng 70% GDP cả nước
Hiện cả nước có 902 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam ngang tầm châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp 70% GDP cả nước.
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 diễn ra từ ngày 2 - 3/12/2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết: “Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ…Tôi cho rằng, kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời.
Trong đó, kinh tế số đòi hỏi thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống. Kinh tế xanh là sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Và yếu tố công nghệ mới đến từ những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, AI, Automotive…".
Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành. Theo thống kê, đến nay đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh trong đó:14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án
Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố/thị xã/quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.
Ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: trong bài viết ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.”
Những tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược đó chính là kim chỉ nam để Hà Nội tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng “3 trụ cột 1 nền tảng”, là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nền tảng là văn hóa và công dân số, an ninh an toàn trên không gian mạng.
Liên quan đến vấn đề chính sách, trong vài năm qua, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải đều đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, khung hướng dẫn nhằm thúc đẩy triển khai đô thị thông minh tại các tỉnh thành phố, đô thị trên toàn quốc.
Đến nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để ban hành Bộ tiêu chí Đô thị thông minh bền vững phiên bản 1 với 4 mảng: Quy hoạch đô thị thông minh; Quản lý hạ tầng đô thị thông minh; Các tiện ích đô thị thông minh và Nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị thông minh. Các cấp độ thông minh của đô thị được xếp thành 4 cấp độ trong đó cấp độ 1 gồm 16 tiêu chí, cấp độ 2 có 32 tiêu chí, cấp độ 3 có 50 tiêu chí, cấp độ 4 có 60 tiêu chí.
Chia sẻ tại Hội nghị về Các đô thị thông minh, bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương, PGS Nguyễn Quang Trung, Đại diện nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT, trình bày các kết quả nghiên cứu về thành phố thông minh và bền vững (SSC) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, nghiên cứu này đã chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển đô thị thông minh và bền vững tại APAC. Singapore, Seoul, Sydney và Tokyo là những thành phố dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiệu quả và có sự tham gia tích cực của người dân. Trong khi đó, các thành phố như Jakarta, Manila và TP.HCM cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực, điều này đòi hỏi ưu tiên phát triển SSC và triển khai các hệ thống quản trị thông minh.
Theo nghiên cứu, khu vực APAC thiếu khoảng 500 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng và tích hợp công nghệ số vào giao thông, năng lượng và dịch vụ công. Thiếu hụt này khiến hợp tác công-tư (PPP) trở thành giải pháp cấp thiết, khi chỉ 16% thành phố toàn cầu đủ khả năng tự tài trợ cho các dự án SSC. Các SSC đang chuyển sang giai đoạn phát triển thứ 3, tập trung vào sự tham gia tích cực của xã hội thay vì chỉ dựa vào chính phủ hay đơn thuần dựa vào các giải pháp công nghệ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu kêu gọi xây dựng khung chính sách linh hoạt để tích hợp công nghệ mới, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và phát triển nền quản trị thông minh.
Theo PGS Nguyễn Quang Trung, việc học hỏi từ các thành phố như Singapore, Seoul và Sydney là hướng đi quan trọng. Các thành phố này đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý giao thông, tối ưu hóa năng lượng và dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hiệu quả kinh tế…
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kinh-te-do-thi-dang-dong-gop-khoang-70-gdp-ca-nuoc-d231489.html