Kinh tế Đồng Nai tìm cách vượt 'bão'

Kết thúc tháng 1-2023, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Đồng Nai đều giảm mạnh. Ngoài nguyên nhân nghỉ Tết Nguyên đán còn do đơn hàng sụt giảm. Từ đầu năm, tỉnh triển khai cùng lúc nhiều giải pháp đưa kinh tế vượt 'bão' để ổn định và phát triển kinh tế.

Công ty TNHH Trans - Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: U.NHI

Công ty TNHH Trans - Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: U.NHI

Năm nay, Đồng Nai đặt ra chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,5-8,5% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 145-150 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu tăng 8-8,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 116 ngàn tỷ đồng và thu ngân sách đạt dự toán được giao.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục có nhiều bất ổn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, lạm phát tăng ở nhiều quốc gia thuộc châu Âu, châu Mỹ. Xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gia tăng rủi ro tài chính sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp (DN). Gần đây, nhiều DN gặp khó khăn về vốn tín dụng, thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động và có nguy cơ dừng hoạt động sản xuất. Trước tình hình trên, ngoài sự nỗ lực của DN, tỉnh triển khai các giải pháp nhằm tiếp sức cho DN vượt qua giai đoạn khủng hoảng và suy thoái.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “DN có thể gặp khó khăn về thiếu đơn hàng, xuất khẩu bị thu hẹp đến đầu hoặc cuối quý II-2023. Việc này sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước. Do đó, ngay từ đầu năm, tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ DN như: giải quyết nhanh các hồ sơ thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xuất nhập khẩu. Các khó khăn của DN cũng được kịp thời tháo gỡ”.

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thì công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 60%. Do đó, sản xuất công nghiệp bị giảm sẽ kéo theo hàng loạt lĩnh vực khác bị ảnh hưởng như: xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước, thương mại dịch vụ, việc làm và thu nhập của người lao động.

Năm 2022, DN tại Đồng Nai đã có những cú “lội ngược dòng” khá ngoạn mục, giúp cho chỉ số, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có bước tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Do đó, tỉnh đã về đích với GRDP tăng hơn 9,2%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 8,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5.717 USD/người, thu ngân sách gần 63 ngàn tỷ đồng… Đây là nền tảng để năm 2023, Đồng Nai tiếp tục có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, cho hay: “Từ cuối năm 2022, nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất vì thiếu đơn hàng, tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 4, 5-2023 mới chấm dứt. Hiện các DN đang rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. Vì thế, DN rất mong Chính phủ, tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn; giảm, giãn thuế; đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục để vượt qua khó khăn”.

Tái cơ cấu nền kinh tế

Trong năm 2023, Đồng Nai sẽ tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế để tạo ra những bước đột phá. Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, các giải pháp hỗ trợ DN phát triển các dự án sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch. Đồng Nai tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, năm 2023, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công, cải thiện việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng hiệu quả nhất. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng, giao thông nông thôn, đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tỉnh thực hiện nhanh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển từng loại hình dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, logistics...

Tỉnh cũng rất chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, nhất là sản xuất công nghiệp. Tỉnh đã triển khai một số chương trình để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số, hướng đến phát triển nền kinh tế số.

Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM Madan Mohan Sethi chia sẻ: “Nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, nhiều DN hạn chế trong mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, Đồng Nai cũng như Việt Nam là nơi có nhiều cơ hội để DN đầu tư. Do đó, trong năm 2023 sẽ có nhiều DN Ấn Độ đến tỉnh tìm cơ hội hợp tác để mở rộng giao thương. Các DN Ấn Độ cần nhất là tỉnh sẽ hỗ trợ các thủ tục, kết nối với các DN tại Đồng Nai”.

Ngoài ra, nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… cũng cho biết rất muốn mở rộng giao thương và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Nửa đầu năm 2023, khó khăn sẽ nhiều hơn dịp cuối năm 2022, nhưng đây cũng là dịp để các DN trên địa bàn tỉnh tái cơ cấu sản xuất, linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, dài hạn chờ thời cơ tăng tốc, phục hồi.

Uyển Nhi

Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG:

Huy động các nguồn lực phát triển kinh tế

Năm 2023, tình hình kinh tế quốc tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức như: lạm phát, biến động tỷ giá, chi phí logistics tăng cao, thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của DN. Do đó, các DN nên linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất và tìm cách mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới để đảm bảo sản xuất. Về phía tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với DN, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN duy trì, mở rộng sản xuất. Tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng Nai cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, DN. Tỉnh xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở hoạt động chính đáng của người dân và DN.

Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN:

Đầu tư hạ tầng giao thông tạo đột phá cho kinh tế

Đồng Nai sẽ tập trung vào giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, tỉnh sẽ cơ cấu đầu tư công có hiệu quả, ưu tiên cho các công trình, dự án động lực có tính lan tỏa cao, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế.

Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ 5 dự án đường cao tốc qua địa bàn: mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Đồng thời, đề xuất cơ chế triển khai các dự án: Đường vành đai 3, Đường vành đai 4; Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để đảm bảo hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối vùng.

Khánh Minh (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202302/kinh-te-dong-nai-tim-cach-vuot-bao-3155285/