Kinh tế Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ

Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang đứng trên bờ vực suy thoái, thì khu vực ASEAN đã và đang trên đà phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2022.

Tiến độ phát triển năng lượng tái tạo và phi carbon là một trong những thách thức đối với các nền kinh tế Đông Nam Á. (Nguồn: freepik.com)

Tiến độ phát triển năng lượng tái tạo và phi carbon là một trong những thách thức đối với các nền kinh tế Đông Nam Á. (Nguồn: freepik.com)

Như chưa từng có đại dịch

Tạp chí Eurasia Review nhận định, nhu cầu và đầu tư đang tăng trở lại, khiến khu vực này giống như chưa từng có đại dịch Covid-19 xảy ra.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP ở Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ tăng trưởng vượt 6%, trong khi tăng trưởng của Indonesia và Campuchia dự kiến khoảng 5%. Singapore, Thái Lan, Lào và Myanmar đều được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 3%.

Các kết quả này được bảo đảm bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu, sự hồi phục của nhu cầu trong nước và đầu tư. Sự phát triển đô thị đang diễn ra mạnh mẽ, với ngành du lịch phục hồi nhanh. Các đường phố sôi động trở lại với các khu chợ và nhà hàng đông đúc, khơi dậy niềm tin của người tiêu dùng.

Một nghiên cứu mới công bố của Bain & Company và Monk’s Hill Ventures về tăng trưởng ở sáu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, chỉ ra rằng, triển vọng tăng trưởng của các nước Đông Nam Á được nâng lên nhờ việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào năm 2022.

Đông Nam Á cũng làm tốt trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỷ lệ FDI trong tổng vốn đầu tư vào khu vực vượt của Trung Quốc, Nam Á hay Đông Âu. Tất nhiên, nếu loại trừ Singapore, các số liệu FDI của Đông Nam Á ít ấn tượng hơn và nếu tính theo đầu người thì thấp hơn Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, khu vực này lại được hưởng lợi từ vai trò của Singapore trong việc chuyển kênh đầu tư vào khu vực, cũng như cung cấp các dịch vụ cao cấp.

Các nền kinh tế ASEAN cũng thu được lợi ích không chỉ về thương mại với Trung Quốc mà còn về các khoản đầu tư khi các công ty chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang khu vực, vì chi phí lao động thấp hơn và những động thái nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, sự chuyển dịch kinh tế trong ASEAN, với mức độ gia tăng của thương mại và đầu tư nội khối sẽ chính là nơi các nền kinh tế khu vực có thể được bảo vệ phần nào, trước bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Các thương hiệu và hoạt động nhượng quyền thương hiệu đang diễn ra rất sôi động ở khu vực, cho thấy tình trạng thương mại và đầu tư nội khối ASEAN cũng đang rất phát triển.

Một điểm sáng khác được chỉ ra là sự mở rộng của nền kinh tế số ở Đông Nam Á, sẽ tác động trực tiếp đến đầu tư, đổi mới sáng tạo, tính bao trùm và tăng trưởng năng suất, kỳ vọng đóng góp từ khoảng 30%-40% nền kinh tế tổng thể khu vực. Theo một báo cáo của các công ty Google, Temasek và Bain, ước tính trong năm 2022, nền kinh tế số của khu vực sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2021, lên khoảng 200 tỷ USD về giá trị hàng hóa toàn cầu, sớm hơn ba năm so với dự báo lần đầu năm 2016.

Vượt thách thức, tự tin vào tương lai

Tất nhiên, trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế thế giới, các nước ASEAN phải đối mặt với nhiều vấn đề tiềm ẩn. Chẳng hạn, xuất khẩu đang tăng nhanh ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nhưng suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu đang rình rập có thể làm giảm nhu cầu của các thị trường chủ chốt từ cuối năm nay và trong năm sau nữa.

Đồng nội tệ bị suy yếu, tăng nợ công và nợ tư nhân, chi phí năng lượng tăng và sự mở rộng của nguồn cung tiền trong hai năm qua đã thúc đẩy một đợt lạm phát. Tình trạng này xảy ra ở Indonesia, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Lào và Myanmar. Trong đó, mối quan tâm chính về lạm phát lại là phản ứng của các ngân hàng trung ương - tăng lãi suất để đối phó lạm phát, có thể làm giảm nhu cầu trong nước và đầu tư.

Hầu hết các nhà phân tích kinh tế cho rằng, ASEAN sẽ vẫn phát triển tương đối nhanh trong năm tới. Tuy nhiên, khó khăn đôi khi được sinh ra từ chính sự vận động đi lên của nền kinh tế.

Chẳng hạn, có một số quan ngại về tình trạng bong bóng bất động sản ở Singapore có thể vỡ bất cứ lúc nào. Hay sự hồi phục kinh tế của ASEAN có thể sớm dẫn đến tình trạng thiếu lao động “kinh niên” tại Singapore, Malaysia và thậm chí Thái Lan.

Một số ý kiến cũng bi quan về nhu cầu trong nước vào năm 2023. Điều này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự không chắc chắn của tình hình quốc tế, đầu cơ về lãi suất và tin tức về suy thoái kinh tế quốc tế... Tình hình ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào khu vực, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia ASEAN và là nguồn đầu tư nước ngoài lớn.

Tất nhiên, trong ngắn hạn, ASEAN được cho là vẫn có vùng đệm để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái nào từ bên ngoài. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái sâu và kéo dài như thế nào thì không ai có thể dự đoán được. Nếu điều đó xảy ra, thách thức trước mắt đối với ASEAN sẽ là vấn đề kiểm soát nợ và lạm phát, đối phó với tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài thấp hơn, giải quyết tình trạng tỷ giá hối đoái đang xói mòn và đợt đầu cơ ngoại tệ…

Đánh giá về dài hạn, nghiên cứu của Bain và Monk’s Hill Ventures cảnh báo về một vấn đề lớn tồn tại ở Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore), đó là điểm trừ về giáo dục. Nghiên cứu lưu ý, nếu thiếu trình độ học vấn và kỹ năng thì bất kỳ lợi thế nhân khẩu học nào cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Trên thực tế, điểm yếu về giáo dục - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đang khiến lao động Đông Nam Á có trình độ và kỹ năng thấp hơn nhiều so với lao động ở Trung và Đông Âu.

Cuối cùng, tiến độ phát triển năng lượng tái tạo và phi carbon trong các lĩnh vực quan trọng vẫn chưa thỏa đáng. Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy, những khó khăn, đặc biệt là trong ngắn hạn, có thể làm giảm triển vọng tích cực đối với khu vực. Tuy nhiên, ASEAN vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa những kế hoạch và cam kết của mình. Đó là những thách thức mà các nền kinh tế khu vực phải vượt qua để trở lại mạnh mẽ hơn.

Nhận định về tương lai của các nền kinh tế Đông Nam Á, tờ The Straits Times viết “vượt lên bối cảnh ảm đạm và tiêu cực vây quanh - triển vọng đối với các nền kinh tế ASEAN trong thập kỷ tới dường như vẫn tương đối tươi sáng”.

Phan Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-dong-nam-a-phuc-hoi-manh-me-205308.html