Kinh tế Dự trữ thức ăn, đưa gia súc về chuồng trại mùa rét
TTH - Là địa phương có nhiệt độ xuống ở mức thấp nhất của tỉnh trong mùa mưa rét những tháng cuối năm, huyện A Lưới chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, vận động người dân tu sửa chuồng trại để bảo vệ gia súc mùa rét.
Đưa gia súc về chuồng trại
Những ngày đầu và giữa tháng 11/2021, nhiệt độ tại huyện A Lưới có lúc giảm xuống mức 16 - 18 độ C, đêm trời rét.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới cho biết, rút kinh nghiệm từ phương thức chăn nuôi theo hướng tận dụng vào tự nhiên và tình trạng thả rong gia súc gây khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc trong mùa mưa rét năm ngoái nên năm nay, A Lưới chủ động xây dựng phương án bảo vệ gia súc gắn với thực tiễn chăn nuôi của người dân. Đến đầu tháng 11/2021, chuồng trại cho gia súc của các hộ chăn nuôi đạt khoảng 74% và đang tiếp tục vận động người dân che chắn, kiên cố hóa chuồng trại.
Trước thói quen chăn nuôi gia súc thả rong, các xã, thị trấn ở A Lưới tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa gia súc về nuôi tại nhà để gia súc quen với môi trường nuôi nhốt có kiểm soát, nhất là khi có dự báo rét đậm, rét hại, mưa kéo dài. Đối với đàn gia súc thả rong không di chuyển về được, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân làm chuồng trại hoặc lán trại có che chắn đảm bảo tại khu vực thả gia súc. Đồng thời dẫn dụ gia súc về chuồng, lán trại bằng cách dùng muối hạt trộn với một ít thức ăn tinh rải đến chuồng để gia súc vào ăn, tạo thói quen ăn ở tại chuồng nhằm dễ dàng chăm sóc.
Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp bảo vệ gia súc, gia cầm mùa rét. Đến nay, tỷ chuồng trại đảm bảo đã đạt khoảng 80%.
“A Lưới hiện có tổng đàn tổng đàn gia súc 16.754 con (chưa tính lợn), trong đó có 2.513 con trâu, 9.710 con bò, 4.531 con dê. Trước mùa rét, các phòng, đơn vị chức năng phối hợp các địa phương đã về tận thôn, bản hướng dẫn, vận động người dân gia cố, tu sửa chuồng trại để tránh gió lùa, mưa tạt và giữ ấm cho đàn vật nuôi trong những ngày gió rét bằng các vật liệu như bao tải, vỏ bao xi măng, nilon hoặc các vật liệu sẵn có tại địa phương như phên tre, nứa...”, đại diện UBND huyện A Lưới cho biết.
Đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ
Năm nay, từ các chương trình tập huấn, vận động, nhiều người dân ở các xã, thị trấn ở A Lưới đã phần nào chủ động dự trữ thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô, sắn khô, khoáng chất) để bổ sung năng lượng cho gia súc. Sau khi thu hoạch các vụ, người dân cũng đã thu gom, dự trữ thức ăn, như: rơm rạ; thu gom dự trữ thân lá ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, thân cây chuối, các loại lau lách để dự trữ cho gia súc vào mùa đông. Một số hộ dân tận dụng các diện tích đất trống không sử dụng như xung quanh vườn nhà, chân đồi, bờ đê, bờ rào, đất ruộng khô hạn... trồng cỏ cao sản để cung cấp thức ăn thô xanh cho gia súc trong những tháng cuối năm.
Cùng với nguồn thức ăn cỏ trồng, Phòng NN&PTNT huyện đã kết nối đơn vị cung ứng để người chăn nuôi tại 18 xã, thị trấn toàn huyện mua 500 cuộn rơm làm thức ăn dự trữ (mỗi cuộn 15 - 17kg). Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện, cán bộ chuyên môn cũng đã hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp xử lý (ủ chua thức ăn, ủ rơm với ure…) để nâng cao giá trị dinh dưỡng của rơm rạ và các sản phẩm nông nghiệp. “Có nguồn thức ăn dự trữ như rơm khô, cỏ, chúng tôi cũng yên tâm hơn, không để trâu, bò chết như mùa rét năm ngoái”, ông Hồ Văn Liên, người dân xã Đông Sơn bày tỏ.
Ngoài dự trữ thức ăn, ngành nông nghiệp huyện cũng chú trọng công tác phòng bệnh cho đàn gia súc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc theo quy định và tiêm tẩy các loại sán, ký sinh trùng trước mùa mưa rét nên để nâng cao sức đề kháng, tạo cho gia súc có thể trạng tốt chống chọi được với thời tiết giá rét.