Kinh tế Đức: Lạm phát cao, chi phí năng lượng đắt đỏ
Theo ước tính ban đầu được công bố hôm 15/1, sản lượng của Đức giảm 0,3% trong năm 2023 do lạm phát cao, lãi suất tăng và chi phí năng lượng đắt đỏ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu trở thành một trong những nền kinh tế hoạt động yếu nhất thế giới.
Vào năm ngoái, kinh tế Đức rơi vào suy thoái, chứng kiến liên tiếp các cuộc đình công trên toàn quốc về giờ làm việc và các cuộc biểu tình gây rối của nông dân phản đối việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.
Ruth Brand, Chủ tịch văn phòng Thống kê liên bang cho biết: “Sự phát triển kinh tế nói chung đã chững lại ở Đức vào năm 2023 trong một môi trường tiếp tục bị đánh dấu bởi nhiều cuộc khủng hoảng”.
Văn phòng thống kê cũng cho biết tổng sản phẩm quốc nội vẫn cao hơn mức trước đại dịch sau khi sụt giảm năm ngoái sau hai năm sản lượng phục hồi và tăng 0,7% so với năm 2019.
Cùng với dữ liệu riêng biệt được công bố hôm thứ Hai cho thấy sản xuất công nghiệp khu vực đồng euro đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 11, các nhà kinh tế cho biết số liệu của Đức chỉ ra khả năng suy thoái của khối đồng tiền chung chung trong quý IV.
Theo IMF, Đức là nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất thế giới vào năm ngoái. Tổ chức này gần đây dự báo rằng các nền kinh tế tiên tiến tăng trưởng trung bình 1,5% vào năm 2023, trong khi các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển tăng trưởng 4%.
IMF dự báo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm ngoái, trong khi khu vực đồng euro tăng trưởng 0,7% và Anh 0,5%. Điều đó nhấn mạnh khu vực sản xuất tập trung vào xuất khẩu lớn của Đức đã bị ảnh hưởng như thế nào do mất nguồn năng lượng giá rẻ của Nga và nhu cầu từ Trung Quốc suy giảm.
Theo dữ liệu của EU công bố hôm thứ Hai, sản lượng nhà máy của Đức và Ý giảm đã góp phần khiến sản lượng công nghiệp khu vực đồng euro giảm 0,3% trong tháng 11 so với một tháng trước đó, theo dữ liệu của EU công bố hôm thứ Hai, đưa mức giảm hàng năm xuống còn 6,8%.
Văn phòng thống kê cho biết GDP của Đức đã giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm ngoái so với quý trước khi sản lượng trì trệ. Nhưng họ nói thêm rằng vì “cơ sở dữ liệu của ước tính này chưa đầy đủ so với tính toán hàng quý thông thường nên mức độ không chắc chắn cao hơn”.
Chi phí đi vay tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ - sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất tiền gửi lên 4% để giải quyết lạm phát - đã cản trở nhu cầu đối với ngành công nghiệp và khiến giá nhà ở Đức giảm 10%.
Ngoài ra, doanh số bán lẻ, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Đức đều giảm trong năm ngoái. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng lớn nhất về chi phí sinh hoạt trong một thế hệ trong khi lĩnh vực sản xuất rộng lớn của đất nước này phải chịu chi phí năng lượng cao, nhu cầu toàn cầu yếu và chi phí tài chính tăng cao.
Thậm chí, tiêu dùng hộ gia đình đã giảm 0,8% trong năm ngoái, thấp hơn 1,5% so với mức trước đại dịch. Tổng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, không bao gồm xây dựng, giảm 2% trong năm ngoái. Chi tiêu chính phủ giảm 1,7% do các biện pháp liên quan đến đại dịch bị loại bỏ.
Theo OECD, tăng trưởng ở nước này dự kiến sẽ tăng lên 0,6% trong năm nay, điều này vẫn khiến nước này trở thành một trong những nền kinh tế lớn yếu nhất thế giới. Một số nhà phân tích đã hạ dự báo của họ kể từ khi chính phủ cắt giảm kế hoạch chi tiêu để giải quyết khoản lỗ 60 tỷ euro trong ngân sách.
Trong năm nay, các nhà kinh tế kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng ở Đức khi sức mua của hộ gia đình phục hồi nhờ tiền lương tiếp tục tăng mạnh và tỷ lệ lạm phát chậm lại.
Khánh Vy (Theo FT)