Kinh tế Đức suy giảm 0,1% trong quý II/2024

Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, khủng hoảng kinh tế ở Đức có thể sẽ kéo dài hơn nhiều chuyên gia lo ngại.

Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Văn phòng Thống kê Liên bang ngày 30/7 đã công bố, theo ước tính ban đầu, trong quý II vừa qua, kinh tế Đức suy giảm tối thiểu 0,1% so với quý trước đó.

Trong quý I năm nay, kinh tế Đức chỉ tăng 0,2% sau khi đã suy giảm 0,4% trong quý cuối năm 2023. Sự trì trệ của kinh tế Đức – tức là thời kỳ tăng trưởng rất ít hoặc không tăng trưởng – đã diễn ra trong một thời gian dài. Kể từ sau quý III/2022 khi sản lượng kinh tế tăng 0,6%, đã gần hai năm nay tăng trưởng kinh tế Đức luôn ở mức dưới 0,5%.

Nguyên nhân của sự thiếu sức sống của kinh tế Đức tiếp tục là sự đan xen giữa các ảnh hưởng bên ngoài và các yếu tố bên trong. Đặc biệt, ngành công nghiệp, vốn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, gần đây lại phát triển yếu. Đơn đặt hàng yếu kém và sản xuất suy giảm chủ yếu do nhu cầu từ nước ngoài ít hơn.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân tiếp tục không đạt được kỳ vọng. Mặc dù các hộ gia đình có nhiều tiền hơn vì tiền lương đang tăng nhanh hơn giá cả, nhưng thay vì chi tiêu, họ lại tiết kiệm nhiều hơn, chủ yếu do bất ổn chính trị vì những tranh chấp và mơ hồ trong chính sách kinh tế và tài chính.

Các nhà kinh tế học cho đến nay vẫn dự đoán rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhẹ trở lại trong năm 2024. Tuy nhiên, nhiều chỉ số ban đầu cho thấy tình hình kinh tế sẽ không cải thiện sau quý II.

Theo khảo sát của Viện Ifo, chỉ số lòng tin kinh doanh bất ngờ giảm 1,6 điểm xuống 87 điểm trong tháng Bảy, lần suy giảm thứ ba liên tiếp của phong vũ biểu kinh tế quan trọng nhất của Đức. Riêng trong ngành công nghiệp, 9.000 nhà quản lý được khảo sát đánh giá tình hình của họ ở mức yếu kém. Chủ tịch Viện Ifo, Clemens Fuest, cho biết: “Chúng ta đang ở trong tình trạng trì trệ mà thực sự không thể thoát ra được”.

Chính phủ liên bang hy vọng sẽ mang lại sự thay đổi về xu hướng kinh tế với hàng loạt “sáng kiến tăng trưởng”. Thủ tướng Olaf Scholz (đảng Dân chủ Xã hội - SPD), Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (đảng Xanh) và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (đảng Dân chủ Tự do - FDP) đã nhất trí 49 biện pháp nhằm nâng tốc độ tăng trưởng thêm 0,5 điểm phần trăm bắt đầu từ năm tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn nghi vấn liệu hiệu quả mà chính phủ mong đợi có thực sự thành hiện thực hay không. Stefan Kooths, người đứng đầu hoạt động kinh tế tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), cho biết: “Các biện pháp này khó có thể nâng mức tăng trưởng tiềm năng thêm 0,5 điểm phần trăm, một con số rất cao”. Tăng trưởng tiềm năng mà mức mà nền kinh tế có thể phát triển được khi nó vận hành bình thường.

Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-duc-suy-giam-0-1-trong-quy-ii-2024/342097.html