Kinh tế Đức trên đà đi lùi 2 năm liên tiếp

2 năm liên tiếp, Đức chứng kiến mức suy giảm GDP đáng báo động. Từ một trong những nền kinh tế lớn mạnh nhất châu Âu, Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

 Nhà máy ôtô Volkswagen tại Đức đứng trước nguy cơ đóng cửa. Ảnh: The New York Times.

Nhà máy ôtô Volkswagen tại Đức đứng trước nguy cơ đóng cửa. Ảnh: The New York Times.

Theo Bloomberg, chính phủ Đức đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP từ mức 0,3% xuống âm 0,2%. Năm ngoái, GDP của nước này cũng đã giảm 0,3%.

Lần gần nhất kinh tế Đức suy giảm 2 năm liên tiếp là giai đoạn 2002-2003, khi chính phủ triển khai loạt cải cách phúc lợi xã hội, trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nếu kịch bản này lặp lại, Đức sẽ trở thành thành viên duy nhất của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) có sản lượng giảm suốt 2 năm liền. Nền kinh tế từng lớn nhất châu Âu đang chật vật thoát khỏi giai đoạn trì trệ kéo dài.

Ông Robert Habeck, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng nền kinh tế nước này đã không còn tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2018, do các vấn đề về cơ cấu và những thách thức toàn cầu.

Ông chỉ ra sức mạnh của mô hình kinh tế Đức dựa trên 2 trụ cột chính là năng lượng giá rẻ từ Nga để phục vụ ngành công nghiệp, và xuất khẩu hàng hóa khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, nhu cầu yếu và căng thẳng địa chính trị khiến kim ngạch xuất khẩu năm ngoái giảm 0,3%. Các dữ liệu mới nhất cũng cho thấy lĩnh vực này sẽ khó phục hồi trong những tháng tới.

Thực tế, ngành công nghiệp ôtô tại đây đang đối mặt với nhiều ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt tin tức tiêu cực xuất hiện, từ việc hãng ôtô Volkswagen đóng cửa các nhà máy trong nước cho đến quyết định hoãn xây dựng nhà máy bán dẫn trị giá 30 tỷ euro của Intel, càng làm tình hình trở nên tồi tệ.

Hôm 11/10, Volkswagen đã báo cáo về doanh số bán hàng toàn cầu trong quý III giảm 7%. Điều này gây áp lực rất lớn cho ngành công nghiệp ôtô của châu Âu.

Trong bối cảnh này, ông Habeck cho rằng chính phủ Đức cần giải quyết nhiều vấn đề như an ninh năng lượng, bộ máy quan liêu, thị trường việc làm và sự bất ổn địa chính trị vốn đã đè nặng áp lực đến các hoạt động kinh tế.

Vào tháng 7, chính phủ Đức đã đề xuất gói hỗ trợ tăng trưởng gồm 49 biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Theo đó, các chính sách tăng cường đầu tư công và tư giúp đẩy nhanh tốc độ mở rộng nguồn năng lượng tái tạo cũng như cắt giảm các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, kế hoạch phải được quốc hội phê duyệt vào cuối năm nay. "Nếu các biện pháp được thực thi, nền kinh tế sẽ trở nên mạnh hơn và người lao động có thể trở lại làm việc", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Habeck cho biết.

Dù vậy, ông Martin Wansleben - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức - cho rằng các biện pháp này cần được thực hiện nhanh hơn và chính phủ cần cải cách thêm nữa để khuyến khích đầu tư.

Theo ông Martin, GDP nước này hiện chỉ cao hơn nửa điểm phần trăm so với trước đại dịch. "Chưa từng có giai đoạn suy yếu kéo dài nào như vậy trong nền kinh tế Đức", ông đánh giá.

Bộ Kinh tế Đức ước tính đến cuối năm, động lực tăng trưởng GDP sẽ dần hồi phục trở lại và đạt mức tăng 1,1% vào năm 2025, sau đó tiếp tục tăng 1,6% vào năm 2026.

Các yếu tố tiền lương tăng, lạm phát và thuế giảm sẽ góp phần vào việc nâng cao nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Ngoài ra, mức lãi suất thấp giúp kích thích người tiêu dùng chi trả cho các mặt hàng, theo Reuters.

Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/kinh-te-duc-tren-da-di-lui-2-nam-lien-tiep-post1503765.html