Kinh tế Hà Nội 2020: Vượt khó để thành công

Năm 2020 là một năm đầy gian khó với cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, bởi những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, cả hệ thống cùng đồng lòng, Hà Nội đã vượt khó để thực hiện 'nhiệm vụ kép', đạt mức tăng trưởng kinh tế khá toàn diện.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về kết quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về kết quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Ảnh: VGP

Lựa chọn trúng, đúng vấn đề trọng tâm, cấp bách

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm cao hơn cả nước, cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng tăng trưởng cao hơn cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá Hà Nội sớm thiết lập trạng thái bình thường mới, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa hồi phục, duy trì phát triển kinh tế, tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao hơn mức bình quân cả nước.

Đến Đại hội Thi đua yêu nước TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025 ngày 3/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Hà Nội tiếp tục phát động phong trào thi đua những tháng cuối năm để có thể đóng góp tăng trưởng gấp 1,13 lần đến 1,4 lần của cả nước và đi liền với đó là hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước như dự toán Trung ương đã giao”. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng Thủ tướng tin tưởng với bản lĩnh, ý chí của Hà Nội, nhất định Thành phố sẽ đóng góp cùng cả nước trong lúc đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Quán triệt những chỉ đạo của Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Ban Cán sự UBND Thành phố đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đồng tâm, đồng lòng thực hiện "nhiệm vụ kép".

Đến nay, đánh giá về kết quả phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đồng tình nhận định, Hà Nội đã khống chế và kiểm soát được dịch bệnh bởi sự phản ứng nhanh, kịp thời, nhạy bén và chính xác. Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, chính quyền Thành phố đã đánh giá đúng tình hình, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp thực tiễn và tổ chức thực thi sớm.

Khi dịch COVID-19 xuất hiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt để nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn trúng, đúng và chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đã tạo sự đồng lòng, đoàn kết, phát huy được phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ Thủ đô.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” còn được thể hiện rất rõ khi trực tiếp Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có nhiều cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội cùng nhiều sở, ngành, quận, huyện. Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội chỉ đạo: Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không được hoang mang, lo lắng quá mức; phải tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Thành phố cũng như của cả nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô ước đạt 3,98%, cao gấp 1,54 lần bình quân chung cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn đứng trong top đầu của cả nước.

Có thể thấy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho “cuộc chiến lớn”, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là địa phương đầu tiên để làm việc về vấn đề chuẩn bị phương án phát triển kinh tế-xã hội sau khi dịch COVID-19 lắng xuống. Giờ đây, thành quả của Thủ đô đã cho thấy nỗ lực, quyết tâm của Hà Nội trong “cuộc chiến” phục hồi và phát triển kinh tế nhằm hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa kiểm soát tốt dịch bệnh.

 Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long khánh thành tháng 10/2020 có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước). Ảnh: VGP

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long khánh thành tháng 10/2020 có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước). Ảnh: VGP

Tạo thế và lực mới

Là địa bàn trọng điểm, có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, Thành phố đã kịp thời chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là tinh thần tự giác, tích cực, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, nhờ vậy đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, không có ca tử vong.

Bên cạnh phòng, chống dịch hiệu quả, Thành phố đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế; đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu lại các ngành kinh tế; tổ chức nhiều hoạt động kết nối với các địa phương về cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với nỗ lực kêu gọi đầu tư, Hà Nội cũng là địa phương duy nhất tổ chức hội nghị hợp tác đầu tư trong bối cảnh khó khăn sau dịch COVID-19, khẳng định Hà Nội luôn là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.

Kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh trong quý IV với mức tăng trưởng GRDP 5,77%. GRDP cả năm 2020 tăng 3,98%, gấp khoảng 1,4 lần bình quân chung của cả nước; chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát ở mức 2,67%; thu ngân sách ước đạt 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019.

23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Mới đây, tại buổi làm việc của Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự giám sát của HĐND Thành phố, sự phối hợp tích cực của UBND Thành phố với các bộ, ngành, địa phương, Hà Nội đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quản lý tài chính, ngân sách. Đặc biệt là năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hà Nội vẫn cho thấy sự ổn định và vững chắc về kinh tế. Về cơ bản Thành phố vẫn đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu chủ yếu.

Về thu ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong điều kiện khó khăn như vậy, Hà Nội đã cho thấy nỗ lực rất lớn của đầu tàu kinh tế. Với đà này, năm 2020, riêng phần thu nội địa của Thành phố đã đạt khoảng 91% dự toán; nếu tính cả phần thu của Trung ương trên địa bàn thì Hà Nội sẽ vượt dự toán. Đây là kết quả ấn tượng, trong khi thu ngân sách nhà nước năm 2020 của các tỉnh, thành phố trên cả nước bình quân chỉ đạt khoảng 93% đến 95% dự toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nhờ thu ngân sách của Thành phố giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nên Hà Nội luôn có nguồn để bù cho các nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 của Thành phố chiếm tới 40,8%, trong khi cả nước là 26,8%. Đặc biệt hơn, riêng năm 2020, Hà Nội chi đầu tư phát triển lên tới 49%”.

Bước sang năm 2021, Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Thành phố đề ra mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế; phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân;…

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; thăng hạng các chỉ số PCI, PAR Index, có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Đặc biệt, Hà Nội đã đề ra 23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, trong đó GRDP tăng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; tăng thêm 85 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Như “lửa thử vàng”, càng trong gian khó, những kết quả về phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố càng thêm đậm nét. Điều này bắt nguồn từ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của lãnh đạo Thành phố; sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân. Tinh thần này cần tiếp tục được phát huy để tạo lực đẩy cho năm 2021- năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP. Hà Nội.

Gia Linh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/kinh-te-ha-noi-2020-vuot-kho-de-thanh-cong/418413.vgp