Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 đạt mức cao nhất trong 20 năm
Dự báo từ cuối tháng 5, tăng trưởng quý II/2025 đạt 7,67% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 7,31%, cao nhất cùng kỳ trong 20 năm qua. Đến hết tháng 6/2025, GDP 6 tháng tăng khoảng 7,5 - 7,6%, bám sát kịch bản đã đề ra là 7,6%.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025. Ảnh: VGP
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 diễn ra chiều 3/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm; nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách Nhà nước… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn nối tiếp khó khăn, thách thức nối tiếp thách thức, cả hệ thống đã rất nỗ lực, quyết tâm, kiên định với mục tiêu, bản lĩnh trong triển khai công việc, ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình, nhờ đó đạt được những kết quả phát triển kinh tế - xã hội khá toàn diện, tăng trưởng cao, “ngược chiều” với triển vọng suy giảm của kinh tế thế giới.
Trong đó, thu ngân sách Nhà nước, thu hút FDI, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đạt nhiều điểm sáng nổi bật; đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng về thể chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy, hệ thống chính quyền, thực hiện 3 đột phá chiến lược; đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và hội nhập quốc tế.
Đáng chú ý, ngày 2/7 vừa qua, 2 đoàn đàm phán của Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao. “Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm. Ảnh: VGP
Trong quý II/2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,65% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm, ngành này tăng 10%, đạt đúng mục tiêu đề ra và là một trong số ít năm từ 2011 đến nay ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong 6 tháng. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 14,4% so với cùng kỳ; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư với mức xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 9% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng tăng 9,3%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng mạnh 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%; tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009), vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đạt 152,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127,2 nghìn doanh nghiệp).
Đặc biệt, tính riêng tháng 6/2025, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 24,4 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay với tổng số vốn đăng ký gần 177 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 60,5% và 21,2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 14,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 91,05%; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124,3 nghìn hộ, tăng 118,4%... Tính chung 6 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ tiếp tục được chú trọng; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai tích cực; Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đã cơ bản đạt được mục tiêu.
Ngày 30/6, toàn bộ 34 địa phương đồng loạt tổ chức Lễ công bố các Nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính và thành lập đảng bộ tỉnh, nhân sự lãnh đạo địa phương để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025.
“Đây là thời khắc đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời gian tới, dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn. Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức, kinh tế vĩ mô còn chịu nhiều sức ép nhất là trong điều hành tỷ giá; hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn còn vướng mắc và chưa theo kịp yêu cầu phát triển…
Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra trong tháng 7 và quý III/2025, Bộ Tài chính đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, khẩn trương trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9; theo dõi sát hoạt động của chính quyền 2 cấp, việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thông suốt các công việc theo thẩm quyền 2 cấp.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước; không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan; phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 tăng 15% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước khoảng 16% GDP; phấn đấu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên các tháng cuối năm để đầu tư xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chi cấp bách.
Các bộ, cơ quan và địa phương theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu thuộc phạm vi quản lý, kịp thời có giải pháp quản lý, kiểm soát giá cả phù hợp, bảo đảm ổn định thị trường, không để đầu cơ, làm giá… Ngoài ra, tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.