Kinh tế Hà Nội vững đà tăng trưởng năm 2025

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Thủ đô vẫn có những bước tiến quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ước tính tăng 6,52% (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,27%). Đây là tiền đề, động lực quan trọng để Hà Nội hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao vào năm 2025.

Kinh tế Thủ đô đủ tiềm lực, vị thế để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Cung Thiếu nhi Hà Nội khánh thành và sử dụng tháng 10/2024). Ảnh: Khánh Huy

Kinh tế Thủ đô đủ tiềm lực, vị thế để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Cung Thiếu nhi Hà Nội khánh thành và sử dụng tháng 10/2024). Ảnh: Khánh Huy

Đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Theo Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội Nguyễn Thúy Chinh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và TP Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, năm 2024 kinh tế - xã hội TP đã đạt những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Nổi bật là, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP năm 2024 ước tính tăng 6,52% so với năm trước, quy mô gần 59 tỷ USD, lớn thứ 2 cả nước. GRDP của TP có xu hướng cải thiện qua từng quý (Quý I tăng 5,41%; Quý II tăng 6,80%; Quý III tăng 6,71%; Quý IV tăng 7,01%), là kết quả khá tích cực và đáng ghi nhận.

Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tiếp tục tăng trưởng khá 7,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP năm 2024. Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2024 ước tính tăng 6,21% so với năm trước (cao hơn mức tăng 5,05% của năm trước), đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,52% so với năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,0%, đóng góp 0,41 điểm % vào mức tăng GRDP.

Quy mô GRDP năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8%. Hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước. Thương mại, dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của TP, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2024 ước đạt 853,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước.

Đặc biệt, năm 2024, ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất nhập khẩu của TP với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng tăng gần 23,8% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước. Các hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; thị trường lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo và cải thiện…

Người dân lựa chọn hàng tại siêu thị GO! Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng

Người dân lựa chọn hàng tại siêu thị GO! Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng

Phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Năm 2025, TP Hà Nội đặt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gồm 25 chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 chỉ tiêu xã hội; 7 chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường. Trong đó, đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 6,5%; GRDP bình quân đầu người 172,4 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo...

Những kết quả khả quan năm 2024 sẽ tạo đà cho Hà Nội tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển” trong năm 2025. Để đạt mục tiêu trên, TP đưa ra nhiều giải pháp và nhóm giải pháp; trong đó tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Theo đó, TP cũng xác định cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi xanh và triển khai hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ...

Đánh giá về triển vọng của Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, TP đã làm được những việc rất quan trọng. Với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô (sửa đổi) là hành lang pháp lý quan trọng, tạo nhiều cơ chế đặc thù để phát huy vai trò chủ động, nhất là Luật Thủ đô năm 2024 lại được thực hiện theo tư duy “Hà Nội quyết, Hà Nội làm, Hà Nội tự chịu trách nhiệm”. TP đang triển khai nhiều điểm theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sắp tới là Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hà Nội là địa phương tiên phong trong cải cách hành chính, chuyển đổi số....

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Đào Xuân Dũng cho rằng, Thủ đô Hà Nội đủ tiềm lực, có một khí thế, vị thế để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo tư tưởng chỉ đạo, định hướng của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kinh-te-ha-noi-vung-da-tang-truong-nam-2025-406589.html