Kinh tế Hải Phòng tăng trưởng chậm lại sau bão Yagi

Trong 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hải Phòng tăng 9,77% so với cùng kỳ, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 Vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt so với mục tiêu mà thành phố đề ra…

Thành phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng

Theo báo cáo đánh giá của văn phòng UBND thành phố Hải Phòng, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 9 và 9 tháng năm 2024 tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế của thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tình hình chính trị, xã hội được ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững.

Cụ thể, 9 tháng năm 2024, GRDP trên địa bàn thành phố ước tăng 9,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm công nghiệp - xây dựng ước tăng 12,09%; nhóm dịch vụ ước tăng 7,94%; nhóm nông, lâm, thủy sản ước giảm 0,88% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,8%. Theo kế hoạch năm 2024, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu GRDP tăng từ 11,5 - 12% so với năm 2023, tuy nhiên hết 9 tháng mới chỉ đạt mức tăng 9,77%.

Trong 9 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố tăng 14,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 28,72%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,73%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,06%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,73%.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 87.822,22 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ; đạt 89,8% dự toán Trung ương giao và đạt 82,3% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu nội địa đạt 38.827,91 tỷ đồng (tăng 78%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 48.030,78 tỷ đồng (tăng 14,5%).

Về thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong 9 tháng năm 2024, thành phố Hải Phòng đã thu hút được 1,78 tỷ USD vốn đầu tư FDI, đạt 89% kế hoạch năm.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 30/9/2024, tổng vốn đầu tư công thành phố giao đã giải ngân được là 8.887,632 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 44% kế hoạch thành phố giao. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 147,563 tỷ đồng, đạt 20%; vốn ngân sách thành phố đã giải ngân là 8.740,068 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch thành phố giao.

Trong tháng 9/2024, do chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 nên hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đều bị ngừng trệ một thời gian, gây ra tình trạng nhỡ tiến độ xuất hàng. Chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp, kéo theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp IIP trong tháng 9 tăng trưởng thấp (chỉ tăng 3,48% so với cùng kỳ). Đây cũng là tháng tăng trưởng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra trên địa bàn thành phố ước tính là 12.249.432 triệu đồng.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong tháng 9 và 9 tháng năm 2024, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đã thẳng thắn chỉ ra các mặt còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội còn thấp so với kế hoạch đề ra; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP thấp hơn so với kế hoạch; tăng trưởng GRDP thấp hơn 2 con số; đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt kết quả thấp.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố cần đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.

Cụ thể, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão; Phối hợp với các cơ quan Trung ương để hoàn thành Sơ kết Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hoàn thành sơ kết Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Triển khai Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng tới xây dựng đô thị loại đặc biệt; Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, khẩn trương giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, cảng biển, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Tập trung xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Hiền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-hai-phong-tang-truong-cham-lai-sau-bao-yagi.htm