Kinh tế Hỗ trợ tuyển dụng và kết nối việc làm

Đó là chủ đề hội nghị do Sở Lao đông- Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) tổ chức ngày 15/10 nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai các hoạt động hỗ trợ tuyển dụng, kết nối việc làm, nhất là liên quan đến lao động bị ảnh hưởng dịch từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương.

Tham dự hội nghị có đại diện Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, các phòng LĐTB&XH cấp huyện, UBND cấp xã và đại diện các doanh nghiệp (DN), đơn vị có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn.

Thời gian qua, Trung tâm DVVL đã chủ động phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh và các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát lại nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong và ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế; thu thập thông tin thị trường và tổ chức kết nối việc làm cho lao động.

Đại diện Công ty CP Hợp tác quốc tế Sao Kim mong muốn được cung cấp danh sách chi tiết,cụ thể về trình độ tay nghề, nhu cầu, nguyện vọng của lao động trở về quê

Đại diện Công ty CP Hợp tác quốc tế Sao Kim mong muốn được cung cấp danh sách chi tiết,cụ thể về trình độ tay nghề, nhu cầu, nguyện vọng của lao động trở về quê

Theo báo cáo của Trung tâm DVVL, hiện có 30 DN có nhu cầu tuyển 9.301 lao động; trong đó, 25 DN có nhu cầu tuyển 8.351 lao động làm việc trong tỉnh, 5 DN cần tuyển 950 lao động đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Trong tổng nhu cầu cần tuyển, ngành dệt may cần tuyển 7.996 lao động; thương mại dịch vụ, sản xuất chế biến 215 lao động; công nghệ thông tin 100 lao động. Theo số liệu do các địa phương cung cấp, có 9.791 lao động có nhu cầu tìm việc làm, học nghề.

Qua nắm sơ bộ số liệu tuyển dụng của các DN từ tháng 5 đến nay, các DN đã tuyển dụng vào làm việc trên 4.200 lao động, trong đó trên 300 lao động từ ngoại tỉnh trở về.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng công tác kết nối, thông tin giữa "3 nhà" cần tăng cường thực hiện; vai trò của chính quyền địa phương, cơ sở cũng phải tích cực đi sâu đi sát, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", là cánh tay nối dài trong công tác kết nối lao động với DN. Điều quan trọng nhất là chính quyền địa phương, các DN cần có những gói hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lại, tăng các chính sách và có những chính sách riêng để thu hút, giữ chân người lao động trở về từ các vùng dịch, để có thể cạnh tranh nguồn lao động với DN ngoại tỉnh đang "khát" và ra nhiều chính sách để lôi kéo lao động quay trở lại làm việc.

Nhiều DN cũng mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cung cấp danh sách cụ thể, chi tiết về số lượng, trình độ tay nghề, nhu cầu việc làm, nguyện vọng của lao động trở về quê để DN thuận tiện khai thác, tiếp cận, tư vấn tuyển dụng...

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ho-tro-tuyen-dung-va-ket-noi-viec-lam-a105694.html