Kinh tế học thời khó nhọc

Hy vọng là nguồn nhiên liệu giúp chúng ta tiến lên. Đó là thông điệp cuốn sách: 'Kinh tế học thời khó nhọc' của nhóm tác giả: Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo. Cuốn sách gợi chúng ta nhiều suy ngẫm về những năm kinh tế suy thoái thời hậu COVID-19 cũng như gợi mở nhiều giải pháp giúp chúng ta ứng phó với những năm tiếp theo với niềm tin mới, cách thức mới.

Bối cảnh của cuốn sách chính là những năm đầu của “triều Obama”, vấn đề Brexit của nước Anh, rồi biểu tình áo vàng... Bất bình đẳng bùng nổ, những thảm họa môi trường và tai ách chính sách toàn cầu lan tràn. Những thách thức ấy khiến cuốn sách được viết ra để tiếp tục nuôi hy vọng.

Với tư cách là những nhà kinh tế học, cách tốt nhất lúc này theo tác giả là phải kiên định với thực tế, hoài nghi những câu trả lời trơn tru và những viên đạn thần kỳ, khiêm tốn và trung thực về những gì mình biết, mình hiểu và sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng, giải pháp, sẵn sàng làm sai. Miễn là chúng ta đang gần hơn với việc xây dựng một thế giới nhân văn hơn.

Chúng ta đang sống trong một thời đại ngày càng phân cực. Nhiệm vụ của nhóm tác giả đó là đưa ra những dữ kiện thực tế và các cách biện giải dữ kiện thực tế có hy vọng sẽ giúp hóa giải sự chia rẽ, giúp mỗi bên hiểu được điều bên kia đang nói, và từ đó đi tới một trạng thái nếu không phải là đồng thuận thì cũng là bất đồng hợp lý. Các sự bất đồng nếu các bên đều có sự tôn trọng dựa trên sự hiểu biết, cũng là một sự thành công đáng kể rồi.

Các câu hỏi về kinh tế học và chính sách kinh tế là trọng tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay. Ta có thể làm gì để thúc đẩy tăng trưởng không? Tương lai của thương mại là gì? Và những vấn đề công nghệ mới? Cấp bách hơn nữa là, xã hội có thể làm gì để giúp tất cả những người mà thị trường đã bỏ lại phía sau...

Điều đáng buồn là hiện nay chỉ số tin tưởng dành cho các nhà kinh tế học chưa cao, thậm chí niềm tin dành cho các nhà dự báo thời tiết cao gấp đôi.

Cảm nhận của tác giả đó là: thứ kinh tế học tốt nhất thường là loại kinh tế học ít cay nghiệt nhất. Thế giới là một nơi đã đủ phức tạp và bất định rồi, tới mức điều giá trị nhất mà các nhà kinh tế học muốn chia sẻ thường không phải là kết luận của họ, mà là con đường họ đã trải qua để đi tới kết luận đó. Những dữ kiện mà họ biết, cách họ diễn giả, bước suy luận mà họ thực hiện, những nguyên nhân còn tồn tại dẫn đến cảm giác thiếu chắc chắn của họ.

Nhóm tác giả cuốn sách dẫn dắt một khái niệm rộng lớn về những điều con người mong muốn và những thứ cấu thành nên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là: Một cuộc đối thoại tốt hơn phải được bắt đầu bằng việc thừa nhận khao khát sâu sắc rất con người, rất nhân văn, vì con người, cho con người. Chính tiếng nói chung đó sẽ góp phần khôi phục vị trí trung tâm của phẩm giá con người, kiến tạo công cuộc tái tư duy sâu rộng về các ưu tiên kinh tế và những cách thức để xã hội chăm lo cho những thành viên của mình, nhất là khi họ đang gặp khó khăn.

Rất có thể bạn đọc có một kết luận khác với nhóm tác giả. Không cần phải đồng tình theo phản xạ, mà hãy cùng nhau chia sẻ để cuối cùng, độc giả và tác giả thực sự trò chuyện cùng nhau. Đó mới là điều mà nhóm tác giả này cần.

Quả thật, tôi đã bị dẫn dắt những điều như vậy trước khi đọc thật kỹ từng chương của cuốn sách.

Với tâm thế ấy, khi đã tìm hiểu về vấn đề di cư những năm qua ở toàn cầu, tôi hoàn toàn bị thuyết phục chứ không dừng ở phản xạ cảm tính với những luận giải của nhóm tác giả. Sau khi phân tích tình trạng di cư qua bối cảnh, số liệu, những hệ lụy và cả những điểm sáng tích cực, tác giả đi đến những khuyến nghị rất nhân văn, đúng với thông điệp của cuốn sách: “Khuyến khích di cư cả trong và ngoài nước thực chất nên trở thành một ưu tiên chính sách, cách làm đúng không phải là ép buộc người dân hoặc bóp méo các động lực kinh tế mà bằng loại bỏ các trở ngại chính”. “Hợp lý hóa toàn bộ quy trình và truyền đạt nó một cách hiệu quả hơn, để người lao động hiểu rõ hơn về các chi phí và lợi ích của di cư là điều hữu ích”. Và cách tốt hơn nữa, là giúp đỡ người di cư và khiến người địa phương cởi mở chấp nhận hơn, tạo điều kiện để họ hòa nhập dễ dàng hơn.

Với quan điểm nhân văn, nhóm tác giả đồng quan điểm khi cho rằng: “Điểm mấu chốt tối thượng là ta không được quên GDP là một phương tiện chứ không phải là mục đích... Mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng cuộc sống của một người dân điển hình, đặc biệt là người dân chịu thiệt thòi nhiều nhất”.

Đầy tham vọng, tác giả đã đưa ra một vấn đề được coi là lớn nhất của thời đại chúng ta đang sống: chống lại tình trạng bất bình đẳng. Tác giả đã khẳng khái cho rằng: “Xét đến cùng, thứ bị đe dọa chính là toàn bộ ý niệm về một cuộc sống tốt đẹp như chúng ta từng biết. Chúng ta có nguồn lực. Thứ chúng ta thiếu là những ý tưởng có thể giúp ta vượt qua bức tường bất đồng và ngờ vực đang chia rẽ chúng ta”.

Lịch sử sẽ ghi nhớ thời đại của chúng ta với lòng biết ơn nếu cả thế giới này có sự chung tay của các bộ óc thông tuệ nhất hợp tác với Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ sao cho hiệu quả và khả thi!

Với tất cả sự ngưỡng mộ của mình, tôi cho rằng cuốn sách này cần phải đọc nghiêm túc để nhìn lại năm tháng khó nhọc đã qua để tương lai, ít ra trước khi có giải pháp, kiến giải, chúng ta luôn sẵn một niềm tin: Chúng ta luôn có nguồn lực, cái còn lại là ý tưởng và kết nối các ý tưởng!

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/kinh-te-hoc-nbsp-thoi-kho-nhoc/29844.htm