Kinh tế Indonesia tìm kiếm cơ hội trong thách thức

Năm 2024, Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 5,02% so với năm 2023, nhờ đầu tư trực tiếp mạnh mẽ và xuất khẩu bền vững, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược như dầu cọ và nickel.

Kinh tế Indonesia tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024. Ảnh: indonesiawaterportal.com

Kinh tế Indonesia tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024. Ảnh: indonesiawaterportal.com

Theo báo Jakarta Post, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024 đã tạo ra làn sóng ảnh hưởng toàn cầu. Không chỉ là một nhà lãnh đạo, ông Trump còn được xem như người sẽ định hình lại các quy tắc về thương mại, chính sách tiền tệ và địa chính trị.

Đối với Indonesia, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump đặt ra những thách thức kép: vừa phải giảm thiểu rủi ro, vừa nắm bắt cơ hội. Với thâm hụt ngân sách dự kiến ở mức 2,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng rupiah suy yếu và các động lực toàn cầu thay đổi, năm 2025 sẽ thử thách sự linh hoạt và khả năng phục hồi chiến lược của Indonesia.

Năm 2024, Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 5,02% so với năm 2023, nhờ đầu tư trực tiếp mạnh mẽ và xuất khẩu bền vững, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược như dầu cọ và nickel. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với những thách thức lớn về mặt cấu trúc. Tiêu dùng hộ gia đình suy yếu, đồng rupiah biến động trong khoảng 15.800–16.200 rupiah đổi 1 USD, cùng sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong nước tạo ra bức tranh đầy mâu thuẫn.

Chính sách tài khóa mở rộng của ông Trump, với các biện pháp cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu, đã làm gia tăng kỳ vọng lạm phát tại Mỹ. Điều này buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì hoặc làm chậm lộ trình giảm lãi suất. Đối với Indonesia, hệ quả là dòng vốn tiếp tục chảy ra, đồng rupiah có thể giảm xuống mức 16.500 rupiah/USD vào năm 2025, và không gian cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ trở nên hạn chế.

Ngân hàng Indonesia (BI) có thể giảm lãi suất xuống mức 5,75% vào năm 2025, nhưng chính sách tài khóa phải đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong hỗ trợ tăng trưởng. Thâm hụt ngân sách của Indonesia, dự kiến ở mức 2,9% GDP, chủ yếu đến từ việc thiếu hụt nguồn thu lên đến 100.000 tỷ rupiah và các khoản chi tiêu không nằm trong kế hoạch (130.000 tỷ rupiah).

Việc mở rộng chi tiêu là cần thiết để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, các sáng kiến năng lượng xanh và các chương trình xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng tạo thêm áp lực đáng kể cho việc quản lý tài chính. Việc chính phủ phụ thuộc vào tăng phát hành trái phiếu để tài trợ cho khoản thâm hụt này sẽ gây ra thêm nhiều rủi ro.

Lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng, do chính sách tiền tệ của Mỹ thúc đẩy, sẽ thu hẹp chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Indonesia và trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến trái phiếu của Indonesia kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Điều này có thể dẫn đến chi phí vay cao hơn đối với chính phủ, ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, đồng rupiah yếu hơn sẽ làm phức tạp thêm vấn đề.

Việc tăng thuế VAT theo kế hoạch của chính phủ lên 12% vào năm 2025 là một bước đi đúng hướng để tăng nguồn thu, nhưng phải được quản lý cẩn thận tránh kìm hãm tiêu dùng của hộ gia đình. Việc mở rộng cơ sở thuế, cải thiện việc tuân thủ và tận dụng các công cụ kỹ thuật số để thu thuế hiệu quả hơn cũng rất quan trọng. Hơn nữa, việc khám phá các cơ chế tài chính thay thế, chẳng hạn như trái phiếu xanh và trái phiếu Hồi giáo sukuk (trái phiếu tuân thủ luật Sharia), có thể thu hút các nhà đầu tư chuyên biệt trong khi vẫn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump cũng mở ra cơ hội mới cho Indonesia. Xu hướng ưu tiên các hiệp định thương mại song phương của ông Trump tạo điều kiện để Indonesia đàm phán các thỏa thuận thương mại cùng có lợi. Bằng cách củng cố quan hệ thương mại với Mỹ, Indonesia có thể đảm bảo tiếp cận thị trường tốt hơn cho các mặt hàng chủ chốt và các sản phẩm có giá trị gia tăng của mình.

Đồng thời, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cho phép Indonesia định vị mình như một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc cải cách quy định và phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh sẽ là chìa khóa để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực sẽ vẫn khốc liệt.

Cam kết của Indonesia về năng lượng tái tạo và chuyển đổi kỹ thuật số cũng tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Chính phủ nước này đặt mục tiêu thu hút 30 tỷ USD đầu tư xanh và đạt 75 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2040 là phù hợp với xu hướng toàn cầu và các ưu tiên của nhà đầu tư. Trong khi đó, nền kinh tế số dự kiến tăng trưởng 14% vào năm 2025, góp phần thúc đẩy đổi mới và tính bao trùm. Những nỗ lực này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì kỷ luật tài chính để đảm bảo rằng các sáng kiến chuyển đổi này có thể được tài trợ một cách bền vững.

Ở trong nước, Indonesia cần giải quyết thách thức về mặt cấu trúc để duy trì khả năng cạnh tranh. Việc đơn giản hóa các quy định, cải thiện cơ sở hạ tầng và giảm thiểu tình trạng thiếu hiệu quả về mặt hậu cần là rất quan trọng để duy trì niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thúc đẩy đổi mới trong năng lượng xanh và công nghệ số sẽ đưa Indonesia trở thành quốc gia dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Đông Nam Á.

Bước vào năm 2025, Indonesia đứng trước ngã ba đường của sự bất ổn và cơ hội. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là lời cảnh báo rằng động lực toàn cầu có thể thay đổi nhanh chóng, định hình lại các quy tắc giao thương trong thương mại, tài chính và địa chính trị. Đối với Indonesia, con đường phía trước không phải là không có thách thức, nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng Indonesia là một quốc gia phát triển mạnh mẽ nhờ khả năng thích ứng. Từ những cú sốc năm 2016 đến quá trình phục hồi sau đại dịch, Indonesia đã nhiều lần chứng minh khả năng vượt lên nghịch cảnh của mình.

Năm nay là cơ hội để Indonesia vạch ra một lộ trình mới, một lộ trình cân bằng giữa tham vọng với chủ nghĩa thực dụng, rủi ro với cơ hội và các ưu tiên trong nước với thực tế toàn cầu. Rủi ro rất cao, nhưng cơ hội cũng vậy. Bằng cách áp dụng các cải cách táo bạo, thúc đẩy đổi mới và tăng cường quan hệ đối tác, Indonesia không chỉ có thể vượt qua kỷ nguyên bất ổn này mà còn trở nên mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và có khả năng cạnh tranh toàn cầu hơn.

Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-indonesia-tim-kiem-co-hoi-trong-thach-thuc/359433.html