Kinh tế Italy thiệt hại nặng do thuế quan của Mỹ
Italy là quốc gia bị thuế quan của Mỹ ảnh hưởng nặng thứ hai tại Liên minh châu Âu (EU), sau Đức.

Kinh tế Italy thiệt hại nặng do thuế quan của Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters - TTXVN
Mức thuế quan ở mức 8% hiện nay và đồng USD yếu đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Italy và khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có nguy cơ mất tới 0,6%. Điều gì sẽ xảy ra với mức thuế quan của Mỹ tăng lên 30% kể từ ngày 1/8 tới?
Với sự gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 30% đối với hàng xuất khẩu của châu Âu bắt đầu từ ngày 1/8 - và đe dọa sẽ tăng thuế lên tới 60% trong trường hợp bị trả đũa - một nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) của Italy đã làm rõ những quốc gia nào có nguy cơ chịu thiệt hại nhất trong EU, với Italy đứng thứ 2, thiệt hại từ 15-35 tỷ euro, tác động đến xuất khẩu và GDP.
Trong tháng 5/2025, mức thuế trung bình của Mỹ đối với các sản phẩm của Italy đã đạt 8%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6,7% của EU và thậm chí cao hơn cả Pháp (6,4%). Chỉ có Đức phải chịu mức thuế trung bình của Mỹ cao hơn, là 11% đối với hàng xuất khẩu của họ. * Thuế suất khác nhau: Tùy thuộc vào mặt hàng xuất khẩu Lý do Italy phải chịu mức thuế cao như vậy bất chấp liên minh thuế quan châu Âu nằm ở cơ cấu ngành hàng xuất khẩu. Thuế quan của Mỹ không đồng nhất. Trong khi ngành dược phẩm được miễn trừ trong nhiều trường hợp, các ngành như thép, nhôm và ô tô lại bị áp thuế lên tới 25% hoặc thậm chí 50%. Đầu tháng 4/2025, chính quyền Tổng thống Trump đã tăng mức thuế suất tối thiểu đối với EU lên 20%, sau đó tạm thời giảm xuống 10% trong một giai đoạn đình chiến. Tuy nhiên, đối với các quốc gia như Italy, vốn tập trung mạnh mẽ vào xuất khẩu sản xuất, thiệt hại là ngay lập tức và nặng nề hơn so với các đối tác châu Âu khác. * GDP của Italy giảm 0,6% nếu thuế quan của Mỹ tăng lên 50%Theo nghiên cứu của ISPI, mức thuế 10% đã khiến tăng trưởng GDP của châu Âu giảm 0,1%. Nếu mối đe dọa tăng thuế quan lên 50% trở thành hiện thực, tác động lên GDP sẽ lớn hơn nhiều, với Đức giảm 0,8%, Italy giảm 0,6%, Pháp giảm 0,4%. Đây là những ước tính thận trọng, nhưng chúng khẳng định sự phụ thuộc lớn của hệ thống sản xuất Italy vào thị trường Mỹ.* Tác động "vô hình" của đồng USD yếuGánh nặng đối với hàng xuất khẩu của Italy không chỉ là thuế quan, mà còn là sự mất giá của đồng USD. Kể từ khi ông Trump tái nhậm chức tại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, đồng bạc xanh đã mất khoảng 13% giá trị so với đồng euro. Hiện tượng này làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm châu Âu trên thị trường Mỹ, hoạt động như một khoản thuế bổ sung không được khai báo. Theo Liên đoàn giới chủ Italy (Confindustria), sự kết hợp giữa thuế quan và tỷ giá hối đoái bất lợi làm tăng 23% gánh nặng thực tế lên hàng xuất khẩu của Italy. ISPI ước tính tác động chỉ thấp hơn một chút: giảm 21% doanh thu tiềm năng so với thời kỳ trước Trump. Đây là một đòn giáng mạnh vào các công ty Italy, vốn đang hoạt động với biên lợi nhuận mỏng. * Đằng sau thuế quan, còn có một tính toán tài chính Ngoài các động cơ tư tưởng, với niềm tin rằng thâm hụt thương mại luôn có hại, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump còn có một thành phần tài chính: tăng doanh thu của chính phủ. Chỉ riêng trong tháng 5/2025, Bộ Tài chính Mỹ đã thu được 24 tỷ USD thuế quan. Nếu xu hướng này tiếp tục, doanh thu hàng năm có thể vượt quá 290 tỷ USD, so với con số ban đầu là 80 tỷ USD.Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không đủ. Đạo luật One Big Beautiful Bill (OBBA) gần đây sẽ làm tăng thâm hụt liên bang từ 1.800 tỷ USD lên 2.100 tỷ USD, tương đương khoảng 7% GDP của Mỹ, khiến bất kỳ tác động tích cực nào từ thuế quan là không đủ. Trên thực tế, ông Trump đang cố gắng bù đắp một khoản thâm hụt bằng một khoản thâm hụt khác.

Đấu trường La Mã ở thủ đô Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
* Tác động đối với Italy từ mức thuế quan 30%
Với việc Mỹ công bố mức thuế quan 30% có hiệu lực từ ngày 1/8, bức tranh toàn cảnh của Italy càng trở nên đáng lo ngại hơn. Các ước tính cập nhật, do Svimez và các trung tâm nghiên cứu khác xây dựng, đã định lượng đáng kể những hậu quả tiềm tàng của đợt thuế bảo hộ mới này.
Trong kịch bản đầu tiên - áp dụng mức thuế 30% đối với hầu hết các mặt hàng, nhưng với các miễn trừ đã được biết đến đối với dược phẩm, chất bán dẫn và năng lượng - Italy có nguy cơ mất 12,5 tỷ euro kim ngạch xuất khẩu (tương đương 20% doanh số bán hàng sang Mỹ) và 9 tỷ euro GDP. Tác động đến việc làm sẽ rất tàn khốc: Hơn 150.000 việc làm toàn thời gian có thể bị mất, gần 13.000 việc làm trong số đó sẽ ở miền Nam Italy.
Nếu mức thuế 30% được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực, không có ngoại lệ, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn: 15 tỷ euro xuất khẩu biến mất, 10,8 tỷ euro GDP và 178.000 việc làm bị mất, trong đó 16.000 việc làm ở miền Nam Italy, với tổng thiệt hại từ 15 đến 35 tỷ euro.
Theo Giám đốc Svimez, ông Luca Bianchi, những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là cơ khí ở miền Bắc và nông sản thực phẩm ở miền Nam. Các ngành công nghiệp ô tô, điện tử và dược phẩm, những ngành có tầm ảnh hưởng quốc tế và là những nhân tố chủ chốt cho sự phục hồi công nghiệp mong manh của miền Nam Italy, cũng gặp rủi ro.
Việc có thể bao gồm ngành dược phẩm trong số những ngành bị ảnh hưởng khiến tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Chỉ riêng ở miền Nam Italy, xuất khẩu dược phẩm sang Mỹ đã trị giá gần 1 tỷ euro. Nếu bị đánh thuế 30%, thiệt hại bổ sung sẽ lên tới 300 triệu euro, nâng tổng thiệt hại ở miền Nam Italy lên 1,3 tỷ euro.
Đối với Italy, việc Mỹ tăng thuế quan là một rủi ro cụ thể và tức thời, cả trên phương diện công nghiệp lẫn kinh tế vĩ mô. Nếu không có sự thay đổi, xuất khẩu của Italy có nguy cơ trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thương mại mới này.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-italy-thiet-hai-nang-do-thue-quan-cua-my/380223.html