Các quỹ đầu tư quốc gia xoay trục chiến lược trong thời kỳ bất định

Các quỹ đầu tư quốc gia trên thế giới đang chuyển hướng sang quản lý quỹ chủ động và đầu tư vào Trung Quốc, trong khi các ngân hàng trung ương đang đa dạng hóa dự trữ để ứng phó với biến động.

Đồng đôla Mỹ. Ảnh: TTXVN

Đồng đôla Mỹ. Ảnh: TTXVN

Theo một cuộc khảo sát của công ty quản lý đầu tư Invesco đối với các quỹ đầu tư quốc gia và ngân hàng trung ương đang quản lý khối tài sản trị giá 27.000 tỷ USD, các quỹ đầu tư quốc gia trên thế giới đang chuyển hướng sang quản lý quỹ chủ động và đầu tư vào Trung Quốc, trong khi các ngân hàng trung ương đang đa dạng hóa dự trữ để ứng phó với môi trường toàn cầu đầy biến động.

Ông Rod Ringrow, người đứng đầu bộ phận các tổ chức chính thức của Invesco, cho biết những tổ chức đang quản lý trên 100 tỷ USD – tức là những định chế rất lớn – là những bên đang quan tâm nhất đến việc chuyển dịch sang quản lý chủ động. Ông giải thích rằng, các quỹ thường ưa thích quản lý thụ động trong điều kiện thị trường có thể dự đoán được, nhưng yếu tố "dự đoán được" này đã không còn nữa. Ông cho rằng đây chính là yếu tố định hình toàn bộ cách tiếp cận trong xu hướng chuyển sang quản lý chủ động.

Quản lý chủ động là chiến lược mà ở đó các nhà quản lý quỹ hoặc đội ngũ chuyên gia chủ động đưa ra những quyết định mua, bán và nắm giữ tài sản (như cổ phiếu, trái phiếu). Mục tiêu của họ là đạt được hiệu suất cao hơn hiệu suất trung bình của thị trường bằng cách dựa vào nghiên cứu, phân tích và dự báo để tìm kiếm các cơ hội đầu tư vượt trội. Chiến lược này đòi hỏi chuyên môn cao và chi phí thường lớn hơn. Ngược lại, chiến lược quản lý thụ động không cố gắng đánh bại thị trường mà chỉ nhằm mô phỏng và đạt được lợi nhuận tương đương với một chỉ số thị trường cụ thể (ví dụ như chỉ số S&P 500). Các quỹ này thường chỉ mua một rổ tài sản theo đúng tỷ trọng của chỉ số và rất ít khi giao dịch. Do đó, quản lý thụ động có chi phí thấp hơn và thường được ưa chuộng khi thị trường có xu hướng tăng trưởng ổn định. Bên cạnh xu hướng chuyển sang quản lý chủ động, các quỹ đầu tư quốc gia cũng đang chứng kiến sự quan tâm trở lại mạnh mẽ đối với tài sản của Trung Quốc, với gần 60% dự định tăng phân bổ vốn vào thị trường này trong 5 năm tới, đặc biệt là vào lĩnh vực công nghệ. Ông Ringrow giải thích rằng có một chút tâm lý "FOMO" (Hội chứng sợ bỏ lỡ), tức là quan điểm cho rằng nhà đầu tư "cần phải có mặt ở Trung Quốc ngay bây giờ", khi nước này đang định hình để trở thành một quốc gia dẫn đầu thế giới về chất bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, xe điện và năng lượng tái tạo. Tín dụng tư nhân cũng đã nổi lên như một lĩnh vực trọng tâm, giúp các quỹ tìm kiếm nguồn thu nhập thay thế và tăng cường khả năng chống chịu rủi ro. Hiện có 73% các quỹ đầu tư quốc gia tham gia vào lĩnh vực này, tăng so với mức 65% của năm ngoái. Đáng chú ý, một nửa trong số đó đang chủ động rót thêm vốn vào đây. Ngoài ra, sự quan tâm ngày càng tăng đối với stablecoin – một loại tiền mã hóa thường được neo giá 1:1 với đồng USD – đặc biệt là từ các quỹ đầu tư quốc gia ở thị trường mới nổi. Gần 50% số quỹ cho biết stablecoin là loại tài sản kỹ thuật số mà họ có xu hướng đầu tư, dù vẫn xếp sau bitcoin với tỷ lệ quan tâm là 75%.

Khánh Ly/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-quy-dau-tu-quoc-gia-xoay-truc-chien-luoc-trong-thoi-ky-bat-dinh/380274.html