Kinh tế khó khăn: Đầu tư vàng, cổ phiếu hay tài sản cố định?

Theo chuyên gia, trong bối cảnh thị trường vàng và cổ phiếu sẽ có những biến động khá lớn, những tài sản mang lợi tức cố định nên được gia tăng từ bây giờ cho đến nửa cuối năm.

Cộng đồng doanh nghiệp đối diện không ít khó khăn

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết bên cạnh những điểm sáng, xu hướng phục hồi là tích cực nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn khi lạm phát đã tạo ra nguy cơ, thị trường vàng trồi sụt, lãi suất có dấu hiệu tăng, tỉ giá có dấu hiệu xuất hiện trở lại...

Trong bối cảnh nền kinh tế với những cơ hội và thách thức đan xen, đâu sẽ là kênh đầu tư “lí tưởng” cho các nhà đầu tư thời gian tới?

Trả lời cho câu hỏi này và đưa ra nhận định tổng quát về các kênh đầu tư, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho rằng, tiền gửi và trái phiếu sẽ có triển vọng phục hồi, vàng cần cẩn trọng, còn cổ phiếu sẽ duy trì xu hướng.

Nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn: Mua vàng, cổ phiếu hay tài sản cố định?

Nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn: Mua vàng, cổ phiếu hay tài sản cố định?

Cụ thể, với kênh tiền gửi, ông Tuấn cho hay, lãi suất tiết kiệm đang gia tăng trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cho vay có xu hướng giảm. Lượng tiền gửi cũng đang bắt đầu tăng trở lại. Đồng thời nửa cuối năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện, việc tích trữ tiền vào gửi tiết kiệm sẽ giúp các nhà đầu tư dễ thanh khoản để chớp lấy cơ hội mới.

Với kênh trái phiếu, theo ông Tuấn, các nhà đầu tư vẫn đang khéo e dè. Tuy nhiên, việc đầu tư thông qua trái phiếu qua kênh phát hành ra công chúng và chứng chỉ quỹ mở trái phiếu vẫn đem lại hiệu suất tốt.

Dù vậy, rủi ro của thị trường trái phiếu vẫn là áp lực đáo hạn. Vị chuyên gia này khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm trái phiếu của các ngân hàng. Nhóm này đã phát hành mới khối lượng lớn từ cuối năm 2023 trở lại đây và thực hiện qua kênh phát hành ra công chúng, tiếp cận được với mọi nhà đầu tư.

Với kênh vàng, đây là kênh mà ông Tuấn lưu ý các nhà đầu tư nên cẩn trọng. Lý do là vì việc giảm tỷ giá cùng chính sách điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước có thể làm hạ nhiệt giá kim loại quý.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cung vàng miếng thông qua hình thức bán vàng bình ổn giá tại bốn ngân hàng quốc doanh. Sau động thái này, giá vàng giảm, chỉ còn chênh lệch nhẹ so với giá vàng thế giới. Khi giá vàng sẽ giảm xuống, mọi thứ bình ổn trở lại và người dân sẽ không còn là cảm thấy bị bỏ lỡ hay khó khăn khi chưa nắm giữ vàng.

Với kênh cổ phiếu, do tình hình kinh tế vĩ mô biến động nhanh, lớp cổ phiếu có thể phải cẩn trọng với “những cơn gió ngược”.

Ông Tuấn chia sẻ, các nhà đầu tư Việt Nam đa phần thiếu kinh nghiệm, thời gian, do vậy cần cấu trúc danh mục, gồm danh mục đầu tư thụ động, tức là sử dụng dịch vụ của các quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ… Thứ hai là danh mục đầu tư chủ động, tức là xây dựng kịch bản cổ phiếu và chọn ngành, chọn mã cổ phiếu.

Từ những phân tích cụ thể về từng kênh đầu tư, ông Tuấn tổng kết: “Trong bối cảnh thị trường vàng và cổ phiếu sẽ có những biến động khá lớn, những tài sản mang lợi tức cố định nên được gia tăng từ bây giờ cho đến nửa cuối năm”.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Trong khi đó TS. Cấn Văn Lực cho biết, một nguyên tắc quan trọng “bất di bất dịch” với các nhà đầu tư là phải biết đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy, một số kênh đầu tư hiện nay tương đối khả quan.

Thứ nhất, với kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ở mức lãi suất 5-6% và thời gian tới vẫn sẽ duy trì ở mức này.

Một nguyên tắc quan trọng “bất di bất dịch” với các nhà đầu tư là phải biết đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Một nguyên tắc quan trọng “bất di bất dịch” với các nhà đầu tư là phải biết đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Thứ hai, kênh chứng khoán đang phục hồi tích cực, tùy lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay chứng kiến đã và đang phục hồi tương đối tích cực, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng mạnh.

Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 5/2024 nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ tăng 46,45%, ngành giày dép tăng 36,5%, ngành ngân hàng tăng hơn 14%, chứng khoán tăng 13,6%, ngành bất động sản có tăng nhưng còn chậm (1,54%)...

Thứ ba, kênh về bất động sản cũng đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, trong đó phải kể đến phân khúc khu công nghiệp, bất động sản nhà ở. Đặc biệt, với thu nhập và nhu cầu hiện nay của người dân hiện nay khiến thị trường bất động sản thiếu cung, giá một số phân khúc sẽ tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, với kênh đầu tư khác như vàng, thời gian tới, ông Lực cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết liệt để giảm bớt mức độ quan tâm đến vàng trong nền kinh tế.

Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết rõ khẩu vị của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm”.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/kinh-te-con-nhieu-kho-khan-dau-tu-vang-co-phieu-hay-tai-san-co-dinh-d111905.html