Kinh tế Khởi nghiệp Kết nối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thực hiện nhiệm vụ thí điểm xây dựng hệ sinh thái (HST) Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong trường đại học (ĐH) theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua nhiệm vụ Đề án 844), ĐH Huế đã tổ chức Hội nghị KNĐMST kết nối các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên vào ngày 22/12.

Với các phiên hội thảo, làm việc trong khuôn khổ hội nghị, ĐH Huế cùng các đơn vị làm sáng tỏ những tác động tích cực của hoạt động KNĐMST đến nhà trường, vai trò của trường ĐH trong HST KNĐMST quốc gia và thành lập mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp nhằm chia sẻ các nguồn lực, thúc đẩy phát triển vì sự thịnh vượng chung.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế chủ trì hội nghị

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế chủ trì hội nghị

KNĐMST rất quan trọng với các trường

Tại hội thảo quốc gia “Vai trò của KNĐMST trong trường ĐH”, các đại biểu tham dự hội thảo thừa nhận trường ĐH là một cấu phần quan trọng, không thể thiếu trong HST KNĐMST. Điều này cũng được thể hiện trong các nội dung Đề án 844 “Hỗ trợ HST KNĐMST quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra “Vai trò của trường ĐH trong HST khởi nghiệp và những mối liên hệ của trường ĐH với các chủ thể khác trong HST khởi nghiệp vẫn còn rất mờ nhạt”. Điều này một phần xuất phát từ việc các trường chưa nhìn nhận rõ các tác động tích cực của hoạt động KNĐMST đối với sự phát triển của nhà trường.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, hoạt động KNĐMST trong trường ĐH rất quan trọng và những năm qua, ĐH Huế rất quan tâm đến lĩnh vực này. Trong quá trình phát triển, Trung tâm KN&ĐMST - ĐH Huế gắn chặt với các hoạt động KNĐMST của tỉnh. ĐH Huế đã đưa chương trình đào tạo KNĐMST cho sinh viên, ban hành thành học phần đào tạo. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các trường quan tâm, tăng cường các hoạt động giao lưu chia sẻ các thông tin về KNĐMST, tạo ra nhiều hơn sân chơi về KNĐMST cho thế hệ trẻ, sinh viên miền Trung - Tây Nguyên.

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhấn mạnh, các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp là yếu tố quan trọng tạo ra các tài năng, nguồn nhân lực, là một trong các thành tố của HST KNĐMST. Sự gắn kết của mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp rất cần thiết. Định hướng giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tạo điều kiện mở rộng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia, nền tảng đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn lực liên kết các trường ĐH…

Sáng kiến mạng lưới KNĐMST

Lễ ký kết và tuyên bố thành lập mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Lễ ký kết và tuyên bố thành lập mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên

TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN&ĐMST - ĐH Huế cho biết, ĐH Huế bắt đầu hình thành HST KNĐMST từ năm 2018 với việc thành lập Trung tâm KN&ĐMST và khai trương không gian làm việc chung dành cho các nhóm dự án khởi nghiệp. Năm 2019, ĐH Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thí điểm xây dựng HST KNĐMST trong trường ĐH cùng với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

3 năm vừa qua, với vai trò, trách nhiệm một đơn vị được giao thí điểm, ĐH Huế đã nỗ lực, tiên phong, nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mô hình, tổ chức hoạt động. “ĐH Huế nhận ra rằng, nếu các đơn vị chia sẻ với nhau các kinh nghiệm, các nguồn lực, các mối quan hệ và các tài nguyên đang có, thì hoạt động KNĐMST sẽ đi xa hơn và nhanh hơn, đặc biệt khi đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, đại diện ĐH Huế cho biết.

Đại biểu ở các điểm cầu chụp hình lưu niệm

Đại biểu ở các điểm cầu chụp hình lưu niệm

ĐH Huế đề xuất Sáng kiến mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là mạng lưới với các hoạt động thảo luận mở nhằm phát triển hệ sinh thái KNĐMST trong các đơn vị và quốc gia với các mục tiêu cụ thể bao gồm: phát triển năng lực các đơn vị thành viên, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ KNĐMST; nghiên cứu và thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST, nâng cao năng lực chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ… Tại hội nghị, đã có 16 trường trong khu vực cùng với các trường ĐH thành viên, khoa thuộc ĐH Huế cam kết tham gia để hình thành nên mạng lưới.

TS. Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị tư tưởng và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá sáng kiến mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên rất bổ ích. Với sự vào cuộc quyết liệt của các trường, sẽ tạo ra được hiệu quả về các hoạt động KNĐMST. Để có được thành công, thời gian tới, các trường cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần có các rà soát lại hành lang pháp lý tốt để thực hiện đảm bảo quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm các bên tham gia...

Hội nghị diễn ra trong ngày 22/12 với 3 nội dung chính: Phiên buổi sáng là hội thảo quốc gia Vai trò của KNĐMST trong trường ĐH. Phiên buổi chiều là sáng kiến mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó còn có phiên kết nối đầu tư dành cho các nhóm dự án khởi nghiệp của sinh viên và cán bộ giảng viên.

Tham gia hội nghị có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các đơn vị điển hình trong hoạt động đổi mới sáng tạo (BK-Holdings, SiHUB, VNU-ITP) cùng lãnh đạo các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ket-noi-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-trung-cap-thuc-day-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-a108103.html