Kinh tế Kinh tế Đi chợ 'ma' Vinh Thanh

.VN - Cảnh mua bán tại chợ chẳng nhìn rõ mặt người, họ trao đổi hàng hóa bằng chiếc đèn pin sáng chóa. Ngôi chợ này xuất hiện 5 năm nay tại xã biển Vinh Thanh (huyện Phú Vang), tạo nên nét văn hóa không phải vùng biển nào cũng có.

Clip chợ "ma" Vinh Thanh hoạt động từ sáng sớm

Tờ mờ sáng, con đường dẫn về biển Vinh Thanh bỗng sáng rực một vùng, những bước chân vội vã của nông dân về họp chợ khiến ngày mới ở đây bắt đầu sớm hơn thường nhật.

Nhắc đến chợ sớm, nhiều người nghĩ phiên chợ vùng cao A Lưới, nơi đồng bào dân tộc thiểu số mua bán, trao đổi hàng hóa từ lúc tờ mờ sáng hay chợ đầu mối Bãi Dâu (phường Phú Hậu, TP. Huế). Ấy thế mà ngay tại làng biển xã Vinh Thanh cũng có ngôi chợ sớm đơn sơ mọc lên giữa màn đêm. Người dân thường gọi đùa là chợ “ma”.

Cảnh mua bán diễn ra giữa màn đêm

Cảnh mua bán diễn ra giữa màn đêm

Chợ “ma” Vinh Thanh nằm sát nách chợ chiều hải sản của địa phương này. Từ 2h sáng, chợ bắt đầu nhộn nhịp. Trong ánh đèn pin, cảnh mua bán diễn ra cho đến lúc mặt trời tỏ. Chợ đa phần bán hàng nông sản.

Bà Trần Thị Thê lỉnh kỉnh với gánh rau khoai vừa ngắt vội chiều hôm trước, gần 2h sáng, bà đã gánh thẳng đến chợ sớm Vinh Thanh để bày bán. Bà bảo, đến chợ này sẽ có những thương lái thu mua với số lượng lớn nên rau, củ, quả của người dân địa phương mang đến đây cũng dễ dàng được tiêu thụ.

“Bất kể thứ chi cũng có thể mang đến đây bán, từ mớ rau khoai, mùng tơi ở sau vườn nhà đến quả dưa hấu, mướp đắng, bí đao cũng được tụi tui bày biện. Đến chợ, mỗi người tự chọn cho mình một vị trí phù hợp để bán hàng. Bởi không gian rộng rãi nên không bao giờ có cảnh tranh giành chỗ ngồi. Nông sản ở đây thường được tiểu thương thu mua để bán ở các ngôi chợ khác vào hôm sau nên giá khá rẻ”, bà Thê cho biết.

Theo người dân Vinh Thanh, chợ họp sớm bởi nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân ngày càng cao. Bất kể ai cũng có thể đến đây để bán hàng. Người bán trang bị cho mình một chiếc đèn pin để có thể nhìn rõ mặt người.

Đi chợ “ma” không chỉ người dân địa phương mà còn ở các tiểu thương vùng lân cận. Các mặt hàng nông sản ở đây chủ yếu được người dân địa phương trồng, số ít được chuyển từ các nơi khác đến. Ngoài ra thủy sản đầm phá, biển cũng được bày bán.

Chiếu đèn pin lúc tính tiền để khỏi nhầm lẫn

Chiếu đèn pin lúc tính tiền để khỏi nhầm lẫn

“Mặc dù chợ không lớn nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Đến chợ này, người ta thường mua rau, củ, quả và hải sản các loại. Do họp chợ vào nửa đêm đến sáng nên tên gọi chợ “ma” được chúng tôi gọi vui với nhau. Ngoài thương lái các nơi đến đây mua bán còn có người dân địa phương, họ đến đây để tìm mua thực phẩm tươi ngon của người dân địa phương”, bà Nguyễn Thị Hiền (xã Vinh Thanh) chia sẻ.

Ông Phan Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho biết, khi các đầu mối thu mua nông sản xuất hiện ngày càng nhiều thì nhu cầu mua bán tăng cao. Do vậy, chợ sớm hình thành nhằm cung ứng sản phẩm địa phương cho các đầu mối lớn để tiêu thụ ở các vùng lân cận. Khu vực này nằm trên trục đường dẫn ra biển Vinh Thanh, từ 2 – 5h sáng các phương tiện tham gia giao thông rất ít nên thuận lợi cho người dân địa phương họp chợ. Đây được xem như chợ đầu mối thu nhỏ, hình thành nên văn hóa mua bán không phải địa phương nào cũng có.

L.Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/di-cho-ma-vinh-thanh-a75217.html