Kinh tế Kinh tế Kinh tế đầm phá trong tiến trình xây dựng nông thôn mới – kỳ 2: Nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) kết hợp khai thác tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là hướng đi phù hợp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Cơ hội làm giàu
Sinh sống ven vùng đầm phá Tam Giang từ hơn 40 năm nay, chưa bao giờ ông Trần Văn Giàu ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc) cảm nhận đời sống quê hương đổi thay như hôm nay. Sự đổi thay, vươn lên của Vinh Hưng bắt đầu từ phong trào NTTS an toàn.
“Cách đây hơn 10 năm, phong trào NTTS bắt đầu lan tỏa khắp vùng đầm phá Vinh Hưng. Hồi đó chủ yếu chuyên nuôi tôm sú, trong khi các điều kiện an toàn không đảm bảo nên thường xuyên dịch bệnh, thua lỗ. Vài năm trở lại đây, người dân chuyển sang nuôi xen ghép tôm, cua, cá với các biện pháp an toàn nên hộ nào cũng có lãi”, ông Giàu trò chuyện.
Hàng ngàn hộ dân vùng khu 3, Phú Lộc không chỉ thoát nghèo mà còn hướng đến làm giàu từ các mô hình nuôi thủy sản xen ghép an toàn. Hộ ông Giàu từ hộ nghèo của xã nay cũng xây được nhà kiên cố khang trang, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn nhờ nuôi thủy sản. Có điều kiện kinh tế, ông Giàu luôn hưởng ứng, tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình giao thông, công cộng.
Không chỉ ứng dụng phương thức nuôi an toàn mà người dân còn đưa các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cá hồng, mú, chẽm, đối, cua, chình… đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Có được cuộc sống hôm nay nhờ nuôi thủy sản xen ghép an toàn với các đối tượng có giá trị kinh tế như cua, cá dìa, tôm sú… Các loại đặc sản này được tiêu thụ rộng rãi, chủ yếu bán cho các đại lý phân phối, các nhà hàng tại các điểm du lịch ở địa phương và nhiều nơi khác. Mỗi ao hồ 3.000 m2 nuôi thủy sản các loại, mỗi năm có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng”, ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền) cởi mở.
Du lịch, bước đi ban đầu
Nhiều người biết đến vùng đầm phá Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) bởi không khí trong lành, nét đẹp duyên dáng, thơ mộng và hữu tình mà thiên nhiên ban tặng. Du khách trong và ngoài nước đổ về đây ngày càng đông, ngoài tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên còn thưởng thức các món ăn thủy sản dân dã của vùng sông nước.
Người dân Ngư Mỹ Thạnh tận dụng lợi thế, tổ chức các dịch vụ du lịch như chèo thuyền trên sông, trải nghiệm các nghề chài lưới, nơm cá, tham quan chợ nổi… Ông Nguyễn Nhân ở làng chài Ngư Mỹ Thạnh hồ hởi: “Từ ngày tổ chức các dịch vụ du lịch, nhiều ngư dân có thêm nghề mới “hái ra tiền”. Tuy chưa chuyên nghiệp nhưng lượt khách du thuyền, mua hải sản rất đông, mỗi ngày tui cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”.
Không để người dân “tự bơi”, huyện Quảng Điền đã có những đầu tư ban đầu hướng đến chuyên nghiệp hóa mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trên vùng đầm phá Tam Giang. Một số tuyến đường, bến thuyền phục vụ du khách đi lại được địa phương xây dựng. Người dân được hỗ trợ mua sắm, trang trí thuyền du lịch và các phương tiện phục vụ du khách tham quan vùng đầm phá, rừng ngập mặn. Một số đơn vị khai thác du lịch cũng tìm đến vùng đầm phá Ngư Mỹ Thạnh và có bước chuyển động tích cực khi vừa xây dựng một số hạng mục phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn.
Không chỉ Ngư Mỹ Thạnh mà nhiều vùng trên hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang hình thành các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, ngày càng đi vào chuyên nghiệp. Người dân làng An Truyền, xã Phú An (Phú Vang) đã tổ chức hệ thống nhà hàng nổi trên đầm Chuồn không chỉ tạo không gian mới lạ cho du khách mà còn phục vụ các món ăn thủy hải sản tươi ngon của các vùng ven biển, đầm phá. Hành trình đến với các nhà hàng nổi tọa lạc giữa vùng sông nước, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng đầm phá Tam Giang.
Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vẫn còn nhiều tiềm năng đang được đánh thức. Với vùng sông nước mênh mông trải dài gắn với những bãi biển nổi tiếng, như Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh, Lộc Bình, Cảnh Dương, Lăng Cô… bên cạnh Vườn Quốc gia Bạch Mã, sông Hương thơ mộng tạo nên phong cảnh thiên nhiên hữu tình, là tiềm năng của tuyến du lịch liên hoàn (sông - đầm phá - biển - núi) đang được tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư khai thác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương đánh giá, phát triển NTTS kết hợp du lịch trên vùng đầm phá đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân ven đầm phá, mở ra hướng làm ăn đầy triển vọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái trong vùng bảo tồn thiên nhiên ngập nước cửa sông Ô Lâu, tràm chim Bắc Biên, Rú Chá... kết hợp khu nghỉ dưỡng đặc trưng tại Ngũ Điền, Quảng Công, Mũi Né, ven đầm Cầu Hai và du lịch cộng đồng theo hình thức trải nghiệm từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, văn hóa - lễ hội. Tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án vào vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Bài, ảnh: Hoàng Triều