Kinh tế Kinh tế Mở rộng thành phố Huế là nhu cầu tất yếu
LTS: UBND tỉnh vừa thông qua đề án 'Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050'. Theo đề án mới, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km²) và một phần các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348,54km² (rộng gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu).
Mật độ đô thị Huế ngày càng lớn. Ảnh: Nguyễn Phong
Để lắng nghe góp ý tâm huyết về đề án, Báo Thừa Thiên Huế mở diễn đàn với mong muốn đón nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh:
Các chỉ tiêu đô thị loại I đã đạt ngưỡng
Với diện tích hơn 70km², hiện các chỉ tiêu đô thị loại I của TP. Huế đã đạt ngưỡng, trong đó các hạ tầng khung như rác thải, nghĩa trang, hệ thống xử lý nước thải đều nằm trên các địa phương khác nên công tác phối hợp luôn gặp khó khăn. Với chỉ tiêu bình quân của thành phố từ 103- 105m²/người, nhưng theo quy hoạch phải là 130m²/người nên việc mở rộng TP. Huế là nhu cầu tất yếu và cần thiết để thực hiện mục tiêu đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chuẩn bị cho việc mở rộng TP. Huế, nhiều năm qua tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về phía Nam thành phố, trong đó lập khu đô thị mới An Vân Dương rộng hơn 1.700ha thuộc xã Phú Thượng (Phú Vang), xã Thủy Vân, phường Thủy Dương (TX. Hương Thủy) và phường An Đông (TP. Huế). Huế được biết đến là thành phố có nhiều di sản văn hóa, song là một trong những thành phố có diện tích nhỏ nhất nước nên mặc dù thường xuyên đầu tư nâng cấp, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm của thành phố đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Mở rộng đô thị, trước hết phải mở rộng không gian, phát triển không gian đô thị không có ranh giới khu vực để Huế xứng tầm là đô thị động lực, đô thị trung tâm của tỉnh. Trước đây, TP. Huế không có biển, bây giờ mở rộng, có biển thì nên mở rộng không gian đô thị và phát triển hạ tầng dọc bờ biển Thuận An, đồng thời tập trung chỉnh trang đô thị ở các khu vực trung tâm thành phố, các cửa ngõ Bắc, Nam. Huế đã xanh, sắp tới phải làm cho Huế xanh hơn, đẹp hơn và sáng hơn thông qua việc chỉnh trang hệ thống cây xanh và đầu tư cho chiếu sáng đô thị.
Hiện thành phố đang tập trung các dự án chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương và cửa ngõ Bắc, Nam, bao gồm chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương với hạng mục đường đi bộ kết nối từ cầu Trường Tiền đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉnh trang khu đất tại 11 Lê Lợi và dải đất từ cầu Phú Xuân đến điểm kết thúc cầu đi bộ gỗ lim, chỉnh trang công viên Thương Bạc và vườn Mai. Đồng thời chỉnh trang các công viên, điểm xanh khu vực hai bờ sông Hương và các khu vực Cồn Dã Viên, khu vực 2 Đàn Nam Giao và dự án điện chiếu sáng công viên hai bờ sông Hương.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa:
Thời cơ vàng cho Huế phát triển
Đề án mở rộng đô thị thực chất là thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có từ cách đây 5 năm.
Theo tôi hiểu, đây không phải là đề án mở rộng ranh giới TP. Huế, mà là mở rộng không gian đô thị Huế.
Đề án vừa đưa ra quy hoạch về những không gian đô thị lớn của Huế, vừa định hình đô thị di sản trực thuộc Trung ương. Điều này rất tốt, vì quyết định của Chính phủ đã xác định ranh giới phía Đông đến bờ biển Thuận An, phía Tây đến Bình Điền, phía Bắc đến sông Bồ - Tứ Hạ và phía Nam đến đường tránh Huế. Như vậy, sẽ có một đô thị có biển, sân bay, khu công nghiệp… tạo thế một đô thị liên hoàn mà cái lõi là đô thị di sản.
Quy hoạch này đòi hỏi phải được chi tiết hóa bằng một quy hoạch không gian đô thị chi tiết hơn, trong đó có khu vực phát triển không gian đô thị, khu vực phát triển nông thôn mới và không gian đệm giữa đô thị Huế và các đô thị phụ trợ, đường vành đai nối kết… Đồng thời, có đề án về phát triển hệ thống di sản, không gian cảnh quan của đô thị Huế.
Tôi mong rằng, quy hoạch không phải chỉ phát triển Huế với hệ thống đô thị bằng các nhà cao tầng, tất nhiên vẫn có những khu vực tập trung như một đô thị hiện đại. Quan trọng nhất, không gian đô thị Huế phải phát triển theo hướng: Xây dựng một đô thị lịch sử sống động với mục tiêu đưa Huế thành đô thị sáng tạo văn hóa; nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp tri thức chất lượng cao để đưa Huế thành đô thị công nghiệp tri thức; xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu.
Với xu thế phát triển hiện nay, Huế đang tạo được đà hướng đến một thành phố có môi trường xanh, xây dựng đô thị thông minh, chỉnh trang lại Kinh thành… Đây là bước khởi đầu hướng đến việc thực hiện đề án. Nếu làm được như vậy, đề án sẽ mang lại động lực mới, tạo ra thời cơ vàng cho Huế phát triển đột phá.
Ông Thân Văn Hoàng Long, tổ 15, khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP. Huế:
Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nội đô
Về đề án mở rộng TP. Huế, chúng tôi nhất trí cao và trông chờ đến ngày thực hiện. So với các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Vũng Tàu, Huế khá nhỏ về diện tích nên ảnh hưởng công tác đầu tư hạ tầng, xây dựng các dịch vụ vui chơi giải trí, phát triển hệ thống công viên, điểm xanh...
Ngoài xây dựng hệ thống đô thị trung tâm gắn với phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, Huế cần xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị vệ tinh như Thuận An, Hương Thủy, Hương Trà, đồng thời đầu tư vốn hoàn chỉnh hạ tầng giao thông ở các khu vực nội đô nhằm tạo sự gắn kết liên hoàn để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Theo đề án, TP. Huế sẽ mở rộng về hướng đông - tây và bắc - nam là phù hợp, nhưng nên ưu tiên mở rộng theo trục đông - tây trước, để hoàn thiện không gian đô thị di sản Huế từ núi đến biển theo trục cảnh quan sông Hương. Khu vực phía Tây cũng nên đầu tư nâng cấp, đặc biệt là chỉnh trang khu vực xung quanh Đàn Nam Giao, đồi Vọng Cảnh, Thiên An để phát huy tiềm năng và lợi thế của thành phố du lịch...
Hương - Hiền (thực hiện)
Ảnh: Phan Thành
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/mo-rong-thanh-pho-hue-la-nhu-cau-tat-yeu-a78591.html